Banner tet am lich

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH – Tập 2


CHƯƠNG 10

by tập 2

Cov­er
CHƯƠNG 10
HOÀNG ĐẾ NỘI KINH – Tập 2
MỤC LỤC
10- NGŨ TẠNG SINH THÀNH THIÊN
11- NGŨ TẠNG BIỆT LUẬN
12- DỊ PHÁP, PHƯƠNG NGHI LUẬN
13- DI TINH BIẾN KHÍ LUẬN
14- THANG DỊCH, GI­AO, LỂ LUẬN
15- NGỌC BẢN LUẬN YẾU THIÊN
16- CHẨN YẾU KINH CHUNG LUẬN
17- MẠCH YẾU TINH VI LUẬN
18- BÌNH NHÂN KHÍ TƯỢNG LUẬN
- 0o0 -
CHƯƠNG 10
NGŨ TẠNG SINH THÀNH THIÊN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
TÂM hợp với Mạch, vinh ra ở Sắc, nó chủ ở THẬN (1) .
PHẾ hợp với Bì (da), vinh ra ở Lông, nó chủ ở TÂM (2) .
CAN hợp với Cân (gân), vinh ra ở Trảo (móng tay chân), nó chủ ở PHẾ (3) .
TỲ hợp với Nhục (thịt), vinh ra ở Môi, nó chủ ở CAN (4) .
THẬN hợp với Cốt (xương), vinh ra ở Tóc, nó chủ ở TỲ (5) .
(1)-. TÂM chủ về huyết mạch, nên mới nói là “hợp với Mạch”. – Kinh nói : “Mạch phát hiện ở khí khẩu, sắc hiện ra ở Minh-​Đường ; cái tinh hoa hiện lên mặt (tinh hoa của Tâm)…” nên đây nói : “vinh ra ở sắc”. vinh là tươi đẹp cũng như tinh hoa. Năm Tạng hợp với năm Hành đều có sự tương sinh, tương chế, nên mới có sự sinh hóa. Tâm chủ Hỏa, mà bị chế bởi Thận-​thủy. Vì vậy nên Thận-​tạng là chủ về sự sinh hóa của TÂM nên mới nói “chủ ở THẬN”
(2)-. PHẾ chủ về KHÍ, khí chủ về BIỂU nên hợp với BÌ. THƯƠNG-​HÀN LUẬN nói : “mạch ở Thốn-​khẩu Hoãn mà Trì ; hoãn thời dương khí trưởng, tiếng theo về tiếng “thương” ; mà mao phát (tóc dài)…..” vì mao (lông) liền với BÌ, khí trưởng thời mao vinh.
(3)-. Tủy sinh ra CAN, can sinh cân, cho nên mới nói “hợp với CÂN”. Trảo là chất thừa của cân, nên mới nói : “vinh ra ở TRẢO”.
(4)-. TỲ chủ về trung ương Thổ, là một cơ quan Thương-​lẫm, chủ về việc vận hóa cái tinh hoa của Thủy cốc để sinh ra cơ nhục, cho nên mới nói : “ hợp với NHỤC”. Tỳ khai khiếu ra miệng, nên mới nói : “vinh ra ở MÔI”
(5)-. THẬN chứa tinh mà chủ về TỦY, cho nên mới nói : “ hợp với XƯƠNG”. Tóc là chất thừa của tinh huyết cho nên nó mới “vinh ở TÓC”.
Án : bài NGŨ HÀNH LUẬN nói rằng : “Bắc phương sinh ra khí hàn, hàn sinh Thủy, thủy sinh ra HÀM (mặn) Hàn sinh ra THẬN, THẬN sinh ra CỐT TỦY ; Tủy sinh ra Can, Can sinh ra Cân, cân sinh ra TÂM, tâm sinh ra huyết, huyết sinh ra Tỳ, tỳ sinh ra NHỤC, nhục sinh ra PHẾ, phế sinh ra bì mao. Bì mao sinh ra THẬN..” đó là do Thiên nhất sinh THỦY, và là sự tương sinh của 5 Tạng.
--. LỤC VI CHỈ LUẬN (nói) lại chép rằng :
Đế hỏi :
--. Địa lý ứng với 6 tiết, khí vị như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Ở dưới Tướng-​hỏa thủy khí tiếp theo ; ở dưới Thủy-​vị, Thổ-​khí tiếp theo ; ở dưới Thổ-​vị Phong-​khí tiếp theo ; ở dưới Phong-​vị, Kim-​khí tiếp theo ; ở dưới Kim-​vị, Hỏa-​khí tiếp theo ; ở dưới Quân-​hỏa, Âm-​tinh tiếp theo.
“Cang thời hại, Thừa sẽ chế” chế thời sẽ thành ra sự sinh hóa. Cho nên mới nói rằng: Tâm hợp với Mạch, Phế hợp với Bì..” . đó là nói về sự tương sinh của 5 Tạng.
Như nói : “nó chủ về Thận, nó chủ về Tâm v.v…” đó là nói về sự tương THÀNH của 5 Tạng.

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH TẬP 3


CHƯƠNG 19

by tập 3

Cov­er
CHƯƠNG 19
MỤC LỤC
1.- NGỌC CƠ CHÂN TẠNG LUẬN (19)
2.- TAM BỘ CỮU HẬU LUẬN (20)
3.- KINH MẠCH BIỆT LUẬN (21)
4.- TÀNG KHÍ PHÁT THỜI LUẬN (22)
5.- TUYÊN MINH NGŨ KHÍ THIÊN (23)
6.- HUYẾT KHÍ HÌNH CHÍ THIÊN (24)
7.- BẢO MỆNH TOÀN HÌNH LUẬN (25)
8.- BÁT CHÍNH THẦN MINH LUẬN (26)
9.- LY HỢP CHÂN TÀ LUẬN (27)
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 19
NGỌC CƠ CHÂN TẠNG LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Mạch mùa Xuân như HUYỀN…. Thế nào gọi là HUYỀN ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Xuân tức là CAN-​MẠCH , thuộc Đông-​phương Mộc, muôn vật bắt đầu sinh ra từ đó, cho nên mạch khí hiện ra : NHUYỄN-​NHƯỢC, KHINH, HƯ mà HOẠT. Ngay thẳng mà dài, nên gọi là HUYỀN, nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lại THỰC mà cường, là thái quá, bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch khí lúc lại không THỰC mà “VI”, là bất cập, bịnh sẽ phát ở bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Xuân, thái quá bất cập, phát ra chứng hậu như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người hay quên, choáng váng, chóng mặt và đau ở đầu. Nếu là bất cập thời đau ở Hung suốt sang lưng, xuống cả 2 bên sườn tức đầy khó chịu.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Hạ như CÂU…. Thế nào gọi là CÂU ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Hạ, tức là mạch của TÂM, thuộc Nam-​phương Hỏa. Muôn vật nhờ đó để thịnh trưởng. Cho nên mạch khí lúc lại thịnh lúc đi suy, nên mới gọi là CÂU. Nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại thịnh, lúc đi cũng thịnh ; là thái quá : bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch lúc lại không thịnh, lúc đi lại thịnh là bất cập : bịnh sẽ phát ra bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Hạ thái quá và bất cập, phát ra chứng hậu như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người mình nóng và đau ở ngoài da, hoặc sinh chứng lở-​láy ; bất cập thời khiến người Tâm phiền, ở bộ phận trên thời phát chứng HO và nhổ, ở bộ phận dưới thời phát chứng KHÍ-​TIẾT.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Thu như PHÙ… thế nào gọi là PHÙ ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Thu tức là mạch của PHẾ, thuộc Tây-​phương Kim. Muôn vật nhờ đó tới thời kỳ “thâu thành”. Cho nên mạch lúc lại khinh HƯ mà PHÙ, lúc lại thời CẤP, lúc đi thời TÁN, nên gọi là PHÙ. Nếu mạch tượng trái thế, sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như MAO, ở giữa KIÊN, hai bên HƯ : là thái quá. Bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch khí lúc lại như MAO mà VI, là bất cập : bịnh sẽ phát ra bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Thu thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người khí-​nghịch, lưng đau và bực tức khó chịu. Bất cập thời khiến người suyễn, hô hấp mõi mệt và ho. Ở bộ phận trên đôi khi KIẾN-​HUYẾT, có khi khí hạ nghịch, lại kêu rên ầm ĩ.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Đông như DOANH… thế nào gọi là DOANH ? (ở yên lặng, chìm xuống tức là THẠCH)
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Đông tức là mạch của THẬN, thuộc Bắc-​phương Thủy. Muôn vật nhờ đó mà bế tàng, cho nên mạch khí lúc lại TRẦM mà BÁC (bựt mạnh lên) nên gọi là DOANH. Nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như vụt vào đá (đàn thạch) là thái quá : bịnh sẽ phát ở bên ngoài ; đến lúc đi lại chậm rải như là đếm. là bất cập : bịnh sẽ phát ra ở bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Đông thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người trể nãi, đường xương sống đau, thiếu khí, không muốn nói ; bất cập thời khiến người trong lòng bào-​bao như đói, phía dưới chỗ xương sườn cụt giá lạnh, trong xương sống đau, thiếu-​phúc đầy, tiểu tiện đổi sắc.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Theo thứ tự của 4 mùa, các Tạng đều có sự thuận nghịch khác nhau.Còn TỲ thời chủ về gì ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. TỲ-​mạch thuộc Thu, nó là CÔ-​TẠNG (đứng riêng một mình) để thấm nhuần ra 4 bên.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Nếu vậy, thời sự “thiện” hay “ác” của Tỳ có thể biết được chăng ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Cái THIỆN không thể thấy (1) , chỉ có cái ÁC là có thể thấy.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thấy cái ÁC như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như nước chảy dồn, là thái quá bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Nếu chỉ như chim mổ, lúc có lúc ngừng là bất cập, bịnh sẽ phát ra ở trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch của TỲ, thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người tứ-​chi không cử động được. Bất cập thời khiến người 9 khiếu không thông, gọi là TRÙNG-​CƯỜNG (2).
(1)-. TỲ thấm nhuần ra 4 Tạng. Bốn tạng nhở cái khí của Tỳ để thực hiện cái công năng của mình. Vậy cái THIỆN của Tỳ chỉ phát hiện ra ở 4 tạng, mà chính mình không thấy.
(2)-. TỲ không hòa đã là CƯỜNG rồi ; 9 khiếu không thông, tà khí đương thịnh, cũng là CƯỜNG, nên gọi là TRÙNG CƯỜNG , tức là cả 2 đều cường,.

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH TỐ VẤN - tập 1


TIỂU DẪN ________________________________________________________________________

by tập 1

Cov­er
TIỂU DẪN ________________________________________________________________________
HOÀNG ĐẾ NỘI KINH
TỐ VẤN
Tri kỳ yếu dã nhất ngôn nhi chung,
Bất tri kỳ yếu lưu tán vô cùng.
Chú giải : Mã Nguyên Đài
Dịch thuật : Liên Tâm Lão Nhân
Nguyễn Tử Siêu
(22.5.Quí Tỵ - 02.7.1953)

TIỂU DẪN ________________________________________________________________________

TIỂU DẪN
TỐ VẤN là một bộ sách do vua HOÀNG-​ĐẾ cùng với những vị bầy tôi là KỲ-​BÁ, QUỶ-​DU-​KHU, BÁ-​CAO, THIẾU-​SƯ, THIẾU-​DU, LÔI-​CÔNG, lúc bình nhật cùng vấn đáp mà biên tập nên. Sách BẢN-​KỶ có chép : “ HOÀNG-​ĐẾ hỏi KỲ-​BÁ mà làm thành NỘI-​KINH ”. chính là bộ này. Nhưng xét trong sách này, phần nhiều là lời nói của KỲ-​BÁ cho nên trong BẢN-​KỶ không chép đến tên của bầy tôi khác.
Lại xét ngoài 81 thiên của bộ TỐ-​VẤN, lại còn 81 thiên của bộ LINH-​KHU …… giờ nhận thấy trong TỐ-​VẤN có những câu dẫn “ kinh nói rằng : …vv….” Đều là lời ở trong LINH-​KHU thời đủ biết rằng : bộ LINH-​KHU thời soạn trước, mà TỐ-​VẤN soạn sau.
Trong TỐ-​VẤN chỉ lấy danh hiệu Thiên-​Sư-​Phu-​Tử để tôn xưng KỲ-​BÁ … còn QUỶ-​DU-​KHU với các bầy tôi khác thời không thấy gọi ai như vậy. Đến như LÔI-​CÔNG thời lại tự xưng là Tiểu Tử, Tế Tử , mà HOÀNG-​ĐẾ cũng có khi ban lời dạy bảo. Có lẽ học lực của Lôi Công chưa bằng các vị kia mà tuổi cũng còn ít hơn cả chăng ?
Vã có những danh từ : Công, Bá, Sư … tựa như là đều lấy tước hiệu để gọi. Tức như ở thiên BẢO-​MỆNH-​TOÀN-​HÌNH-​LUẬN có chỗ xưng là Thiên Tử, Quân Vương ; thiên DI-​TINH-​BIẾN-​KHÍ LUẬN, thiên NGŨ-​THƯỜNG-​CHÍNH-​ĐẠI-​LUẬN, thiên LINH-​KHU-​QUAN-​NĂNG .vv… đều xưng là Thánh Vương. Thiên CHỨ-​CHÍ-​GIÁO-​LUẬN, thiên SƠ-​NGŨ-​QUÁ-​LUẬN có câu nói : “Phong quân hầu vương ..” thiên SINH-​CĂN-​KẾT có những danh từ như Vương, Công, Đại nhân vv… ; vậy thời đó là tước hiệu không còn ngờ gì nữa. Đến như QUỸ-​DU KHU, THIẾU-​DU, BÁ-​CAO … đều là tên chư thần mà thôi.
Đời sau ông Trình-​Tử có nói : “TỐ-​VẤN do tay các công tử nước Hàn soạn ra” . Cũng có người cho là do các nho gia đời Tiên Tần soạn…. Đó đều là nệ về những danh từ tước hiệu mà không xét kỹ toàn thư, nên ức thuyết như vậy. Giờ xét ở những thiên LỤC-​TIẾT-​TÀNG-​TƯỢNG-​LUẬN, THIÊN- -NGUYÊN-​ĐẠI-​LUẬN, NGŨ-​VẬN-​HÀNH-​ĐẠI-​LUẬN, LỤC-​VI-​CHỈ-​ĐẠI-​LUẬN, KHÍ-​GI­AO-​BIẾN-​ĐẠI- LUẬN, NGŨ-​THƯỜNG-​CHÍNH-​ĐẠI-​LUẬN, LỤC-​NGUYÊN-​CHÍNH-​KỶ-​ĐẠI-​LUẬN, CHÍ CHÂN-​YẾU-​ĐẠI- LUẬN … bàn về Thiên đạo, Lịch pháp, vạn tượng, nhân thân, kinh lạc, mạch thể, nhân sự, trị pháp, lời có ý sâu … không loại sách Chư tử nào có thể ví kịp, thật đúng là chỉ bậc Thiên thần chí thánh mới có thể soạn nổi.
Ngu này thiết nghĩ “Thượng đế lúc nào cũng nhân ái muôn dân ; mà làm hại sinh mệnh cùa muôn dân là bịnh, muốn trị bịnh phải nhờ ở sách…… nhưng im lặng không nói nên giáng sinh bậc Thần thánh để nói thay, và sớm soạn ra bộ sách này để cứu sinh mệnh cho muôn dân.”
Phương như, LỤC-​THƯ chế ra từ thời PHỤC-​HY, Y Dược bắt đầu từ thời THẦN-​NÔNG… mà từ thời Phục-​Hy đến Hoàng-​Đế có linh nghìn năm; phàm việc văn tự, chế tác chắc đã rõ ràng lắm. Sách NGOẠI-​KỶ, BẢN-​KỶ đều chép : “HOÀNG ĐẾ đặt quan, cử tướng, xét lịch, làm nhạc, chế ra côn miện, thuyền xe ; cắt dã, chia châu, xẻ đất ruộng, đặt tỉnh điền, trồng trăm giống lúa, xây đắp thành quách….. Phàm tước hiệu, văn tự, lúc đó đã đều đủ. Lại trãi qua các họ KIM-​THIÊN, CAO- DƯƠNG, CAO-​TÂN linh ba trăm bốn mươi năm mới đến nhà ĐÀO-​ĐƯỜNG (NGHIÊU). Vậy bao các chế tác người đời sau chỉ biết hai họ Đường (NGHIÊU) Ngu (THUẤN) là thịnh hơn cả… Nhưng có biết đâu gây từ HY-​HOÀNG dần dà cách thời kỳ đó đã lâu lắm rồi. Sau lại riêng đối với SỬ THƯ, LINH-​KHU, TỐ-​VẤN mà còn ngờ vực nữa ru ?”
Đến đời XUÂN THU Tần-​Việt-​Nhân soạn ra NẠN KINH nhận lầm Tam Tiêu, Dinh, Vệ và chứng Quan cách ; đó là người làm mờ tối mất nghĩa của NỘI KINH. Hoàng-​Phủ-​Bật đời Tấn biên làm GIÁP ẤT KINH, phần nhiều trích ở LINH KHU, không phát minh được nghĩa nào. Đời Đường khoản niên hiệu BẢO ỨNG, Khải-​Huyền-​Tử và Vương-​Băng có chú thích, nhưng cứ theo từng câu để giải nghĩa, gặp chỗ nào ngờ thì bỏ qua, chương tiết không chia, trước sau lẫn lộn. Đời Nguyên, Hoạt-​Bá-​Nhân soạn bộ ĐỘC TỐ VẤN SAO, phần nhiều chỉ theo chú giải họ Vương, không phát minh được nghĩa gì. Chỉ về khoản năm Gia Hựu đời Tống, triều đình sắc cho bọn Cao Bảo Hành hiệu đính lại, có nhiều chỗ giúp ích cho Vương-​thị, duy vẫn cứ theo chia làm 24 quyển, rất sai với cái nghĩa soạn sách của Thánh nhân.
ÁN : Ban cổ soạn thiên NGHỆ VĂN CHÍ có chép rằng :”HOÀNG ĐẾ NỘI KINH 18 quyển, TỐ VẤN 9 quyển, LINH KHU 9 quyển”
LẠI ÁN : thiên LY-​HỢP-​CHÂN-​TÀ-​LUẬN trong Tố Vấn có chép : “Hoàng Đế nói: Nghĩ như CỬU CHÂM 9 thiên, Phu Tử lại nhân làm 9 lần, 9 lần 9 thành 81 thiên để theo với số của Hoàng Chung”. Đại để Kinh điển của các bậc Thần thánh phần nhiều dùng số 9. 9 nhân với 9 thành 81 thiên. Giờ đây Ngu này chia làm 9 quyển cũng chỉ là theo cái di-​ý của Thần thánh mà thôi.
Trộm nghĩ Thánh, phàm các bậc, cổ kim khác đời, ngu này sở dĩ không tự lượng mà dám lạm chú thích bộ này, chẳng qua e cho đời sau mờ tối không hiểu nghĩa lý của Thánh nhân, nên mới quản khuy ly trắc…….hoặc công, hoặc tội, tôi nào có e ngại gì chỗ đó ……
MÃ NGUYÊN ĐÀI
TIỂU DẪN ________________________________________________________________________
MỤC LỤC

TIỂU DẪN
CHƯƠNG 1 - THƯỢNG CỔ THIÊN CHÂN LUẬN
CHƯƠNG 2 - TỨ KHÍ ĐIỀU THẦN LUẬN
CHƯƠNG 3 - SINH KHÍ THÔNG THIÊN LUẬN
CHƯƠNG 4 - KIM-​QUỸ CHÂN NGÔN LUẬN
CHƯƠNG 5 - ÂM-​DƯƠNG ỨNG TƯỢNG ĐẠI LUẬN
CHƯƠNG 6 - ÂM-​DƯƠNG LY-​HỢP LUẬN
CHƯƠNG 7 - ÂM-​DƯƠNG BIỆT LUẬN
CHƯƠNG 8 - LINH-​LAN BÍ ĐIỂN LUẬN
CHƯƠNG 9 - LỤC TIẾT TÀNG TƯỢNG LUẬN
TIỂU DẪN ________________________________________________________________________
CHƯƠNG 1
THƯỢNG CỔ THIÊN CHÂN LUẬN (1)
KINH VĂN ________________________________________________________________________
HOÀNG ĐẾ (2) hỏi Thiên Sư (3)rằng :
- Trẩm nghe người đời Thượng cổ đều sống tới linh 100 tuổi mà sức khỏe không kém sút; Đến người đời nay tuổi mới 50 mà sức khỏe đã kém sút. Đó là vì thời thế khác chăng ? Hay là lỗi tại người chăng ?
Kỳ Bá thưa rằng :
- Về đời Thượng Cổ, những người biết ĐẠO (4)bắt chước ở Âm Dương, điều hòa với thuật số (5) uống ăn có mực, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên giữ gìn được hình hài và tinh thần, sống trọn số trời, linh 100 tuổi mới thác (6).
Người đời nay thì không thế : lấy rượu thay làm nước uống, lấy càn bậy làm sự thường; đương lúc say lại nhập phòng (7), do lòng dục làm kiệt mất tinh, hao tán mất khí chân nguyên, không biết gìn giữ cẩn thận,không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho được khoái tâm (8) , làm trái ngược cái thú của sự dưỡng sinh, khởi cư không có điều độ … cho nên mới độ nửa trăm tuổi đã rất là suy yếu.
Bậc Thánh nhân đời Thượng cổ đã răn dạy người dưới biết xa lánh hư tà tặc phong (9) , trong lòng điềm đạm hư vô (10) ; Chân khí thuận theo, tinh thần bền vững, bịnh do đâu mà sinh ra được, vì vậy nên chí nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình mệt mà không quá, chân khí đều hòa, mọi sự đều được thỏa mãn, mãn nguyện (11) .
Ăn đã đủ ăn, mặc lại đủ mặc ; phong tục vui vẻ, trên dưới êm hòa, không hề ganh tỵ … Nên dân thời kỳ đó gọi là PHÁC (12) .
Do đó những điều dâm tà không thể làm bận lòng họ ; những điều ham muốn không thể làm mõi mắt họ. Kẻ ngu người khôn, người hay kẻ kém, không phải sợ đến ngoại vật, nên mới hợp với Đạo…. Vì thế, nên mới có thể sống linh 100 tuổi mà sức khỏe vẩn không kém sút … Đó là bởi “ĐỨC TOÀN” vậy (13) .
CHÚ GIẢI :________________________________________________________________________________

(1)_ Những tên thiên ở đây phần nhiều trích một vài chữ trong bài để đặt. Bốn thiên ở đầu bộ này đều đặt bàn về phương pháp điều dưỡng “TINH, THẦN, KHÍ, HUYẾT”…..
(2)_ Theo Sữ ký : Hoàng Đế họ Công Tôn, tên là Hiên Viên, là con vua nước Hữu Hùng, nối vua Thần Nông, lên làm vua, trị thiên hạ; đóng đô ở gò Hiên Viên, vượng về Thổ-​đức, nên gọi là HOÀNG ĐẾ.
(3)_ danh từ tôn xưng Kỳ-​Bá.
(4)_ ĐẠO tức là cái phương pháp điều dưỡng tinh thần khí huyết.
(5)_ Thuật số : tức là cái phương pháp bắt chước ở Âm Dương. Âm Dương là cái gốc của vạn vật, thuận với nó thời sống, trái với nó thời chết. Cho nên cần phải điều hòa mà thuận theo nó.
(6)_ Khởi cư có thường : thời nuôi được THẦN, không làm quá sức thời nuôi được TINH – Thần với Tinh đầy đủ lo gì không sống lâu.
(7)_ Rượu làm hại TỲ; Tỳ khí bị thương thời không tiêu hóa được thức ăn, sinh khí vì đó mà bị thương ; làm càn bậy thời thương THẦN ; say rượu nhập phòng thời thương TINH. Như thế làm gì mà không chóng chết.
(8)_ Tâm chứa THẦN, khoái tâm thời Thần bị thương.
(9)_ Hư tà tức khí độc, Tặc phong tức là gió độc.
(10)_ Lão Tử nói : “Trong xem Tâm mình, tâm không có gì là tâm ; ngoài xem hình mình, hình không có gì là hình ; xa xem muôn vật, vật không có gì là vật …. Ba điều đó đã hiểu thấu, thời chỉ còn thấy có KHÔNG. Rồi xem KHÔNG cũng không, không không còn không. Cái Không đã VÔ, Vô vô cũng vô ; vô vô đã vô, trong trẽo thường lặng. lặng không còn lặng, DỤC sinh sao được ; Dục đã không sinh, tức là “CHÂN TĨNH” . Chân thường ứng với vật, chân thường hợp với TÍNH, thường ứng thường tĩnh, sẽ được thường thanh tĩnh….” Đoạn nói của Lão Tử trên đây thật là một phương pháp xem “KHÔNG” rất hay. Đem mà giải thích bốn chữ “ ĐIỀM ĐẠM HƯ VÔ” trên này cũng rất đúng.
(11)_ Vì điềm đạm hư vô nên mới chí nhàn mà ít dục, vì tinh thần bền vững nên mới Tâm yên mà không sợ ; Dân khắp bốn phương đều được an cư lạc nghiệp, nên mới mãn nguyện.
(12)_ Dân chúng đã biết vâng theo lời dạy của người trên, nên mọi sự đều cứ tới “mực” đủ thời thôi không hề ham muốn sa hoa, cho nên phong tục mới được vui vẻ ; không còn sự ngờ vực, ghen ghét. Do đó , người trên không hiếp kẻ dưới, kẻ dưới không ghen ghét người trên ; không còn ai làm điều gì quá cái phạm vi địa vị của mình. Dân như thế đã thuộc vào hạng thành thực và chất phát – Nghĩa chữ “PHÁC” có vẻ như quê mùa mà thành thật, khác với tiếng “quê mùa” mà ta thường dùng.
(13)- ĐỨC tức là “MINH ĐỨC” của Trời phú cho, “TOÀN” tức là không để vật dục nó làm hại tới – Trang Tử nói : “Người giữ ĐẠO thời ĐỨC TOÀN, Đức toàn thời Hình toàn, Hình toàn tức là hợp với Đạo của Thánh nhân vậy”.
Từ đoạn này trở lên ông Kỳ Bá đã giải được, trả lời Hoàng Đế được đầy đủ về cái cớ người xưa sống lâu.