Banner tet am lich

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH – Tập 2


CHƯƠNG 10

by tập 2

Cov­er
CHƯƠNG 10
HOÀNG ĐẾ NỘI KINH – Tập 2
MỤC LỤC
10- NGŨ TẠNG SINH THÀNH THIÊN
11- NGŨ TẠNG BIỆT LUẬN
12- DỊ PHÁP, PHƯƠNG NGHI LUẬN
13- DI TINH BIẾN KHÍ LUẬN
14- THANG DỊCH, GI­AO, LỂ LUẬN
15- NGỌC BẢN LUẬN YẾU THIÊN
16- CHẨN YẾU KINH CHUNG LUẬN
17- MẠCH YẾU TINH VI LUẬN
18- BÌNH NHÂN KHÍ TƯỢNG LUẬN
- 0o0 -
CHƯƠNG 10
NGŨ TẠNG SINH THÀNH THIÊN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
TÂM hợp với Mạch, vinh ra ở Sắc, nó chủ ở THẬN (1) .
PHẾ hợp với Bì (da), vinh ra ở Lông, nó chủ ở TÂM (2) .
CAN hợp với Cân (gân), vinh ra ở Trảo (móng tay chân), nó chủ ở PHẾ (3) .
TỲ hợp với Nhục (thịt), vinh ra ở Môi, nó chủ ở CAN (4) .
THẬN hợp với Cốt (xương), vinh ra ở Tóc, nó chủ ở TỲ (5) .
(1)-. TÂM chủ về huyết mạch, nên mới nói là “hợp với Mạch”. – Kinh nói : “Mạch phát hiện ở khí khẩu, sắc hiện ra ở Minh-​Đường ; cái tinh hoa hiện lên mặt (tinh hoa của Tâm)…” nên đây nói : “vinh ra ở sắc”. vinh là tươi đẹp cũng như tinh hoa. Năm Tạng hợp với năm Hành đều có sự tương sinh, tương chế, nên mới có sự sinh hóa. Tâm chủ Hỏa, mà bị chế bởi Thận-​thủy. Vì vậy nên Thận-​tạng là chủ về sự sinh hóa của TÂM nên mới nói “chủ ở THẬN”
(2)-. PHẾ chủ về KHÍ, khí chủ về BIỂU nên hợp với BÌ. THƯƠNG-​HÀN LUẬN nói : “mạch ở Thốn-​khẩu Hoãn mà Trì ; hoãn thời dương khí trưởng, tiếng theo về tiếng “thương” ; mà mao phát (tóc dài)…..” vì mao (lông) liền với BÌ, khí trưởng thời mao vinh.
(3)-. Tủy sinh ra CAN, can sinh cân, cho nên mới nói “hợp với CÂN”. Trảo là chất thừa của cân, nên mới nói : “vinh ra ở TRẢO”.
(4)-. TỲ chủ về trung ương Thổ, là một cơ quan Thương-​lẫm, chủ về việc vận hóa cái tinh hoa của Thủy cốc để sinh ra cơ nhục, cho nên mới nói : “ hợp với NHỤC”. Tỳ khai khiếu ra miệng, nên mới nói : “vinh ra ở MÔI”
(5)-. THẬN chứa tinh mà chủ về TỦY, cho nên mới nói : “ hợp với XƯƠNG”. Tóc là chất thừa của tinh huyết cho nên nó mới “vinh ở TÓC”.
Án : bài NGŨ HÀNH LUẬN nói rằng : “Bắc phương sinh ra khí hàn, hàn sinh Thủy, thủy sinh ra HÀM (mặn) Hàn sinh ra THẬN, THẬN sinh ra CỐT TỦY ; Tủy sinh ra Can, Can sinh ra Cân, cân sinh ra TÂM, tâm sinh ra huyết, huyết sinh ra Tỳ, tỳ sinh ra NHỤC, nhục sinh ra PHẾ, phế sinh ra bì mao. Bì mao sinh ra THẬN..” đó là do Thiên nhất sinh THỦY, và là sự tương sinh của 5 Tạng.
--. LỤC VI CHỈ LUẬN (nói) lại chép rằng :
Đế hỏi :
--. Địa lý ứng với 6 tiết, khí vị như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Ở dưới Tướng-​hỏa thủy khí tiếp theo ; ở dưới Thủy-​vị, Thổ-​khí tiếp theo ; ở dưới Thổ-​vị Phong-​khí tiếp theo ; ở dưới Phong-​vị, Kim-​khí tiếp theo ; ở dưới Kim-​vị, Hỏa-​khí tiếp theo ; ở dưới Quân-​hỏa, Âm-​tinh tiếp theo.
“Cang thời hại, Thừa sẽ chế” chế thời sẽ thành ra sự sinh hóa. Cho nên mới nói rằng: Tâm hợp với Mạch, Phế hợp với Bì..” . đó là nói về sự tương sinh của 5 Tạng.
Như nói : “nó chủ về Thận, nó chủ về Tâm v.v…” đó là nói về sự tương THÀNH của 5 Tạng.

* LỜI GIẢI TỔNG QUÁT
Đoạn trên này nói về cái “hợp” cái “vinh” và cái “chủ” của 5 Tạng. Ở con người có mạch, Tâm hợp với nó ; ở con người có sắc, Tâm làm vinh cho nó. Nhưng Tâm thuộc Hỏa, Thận thuộc Thủy, hỏa chỉ sợ có thủy, bởi thế cái chủ về hỏa, về Tâm, chỉ có Thận. Cũng như Quân-​chủ, là một vị mà nhân dân đều sợ, nên liền lấy người sợ đó mà làm chủ…. Các chữ “chủ” sau đây, đều theo một nghĩa như thế cả.
Ở con người có Bì, Phế hợp với nó ; ở con người có mao, phế làm vinh cho nó. Nhưng Phế thuộc kim, Tâm thuộc hỏa, kim chỉ sợ có hỏa, bởi thế nên cái chủ về Phế chỉ có Tâm.
Ở con người có cân, Can hợp với nó, ở con người có Trảo, Can làm vinh cho nó. Nhưng Can thuộc Mộc, Phế thuộc Kim, mộc chỉ sợ có kim, bởi thế nên cái chủ về Can, chỉ có Phế.
Ở con người có Nhục, Tỳ hợp với nó ; ở con người có Môi, Tỳ làm vinh cho nó. Nhưng Tỳ thuộc Thổ, Can thuộc Mộc, thổ chỉ sợ có mộc, bởi thế nên cái chủ về Tỳ chỉ có Can.
Ở con người có Xương, Thận hợp với nó ; ở con người có Tóc, Thận làm vinh cho nó. Nhưng Thận thuộc Thủy, Tỳ thuộc Thổ ; thủy chỉ sợ có thổ, bởi thế cái chủ về Thận chỉ có Tỳ.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Cho nên : ăn nhiều vị mặn (hàm) thời mạch đọng sít mà sắc biến ; ăn nhiều vị đắng (khổ) thời bì khô mà mao rụng ; ăn nhiều vị cay (tân) thời cân cập (gân rút, khó co duỗi) mà trảo khô ; ăn nhiều vị chua (toan) thời thịt sút (thịt chồn lại) mà môi dộp lên ; ăn nhiều vị ngọt (cam) thời xương đau mà tóc rụng. Đó là sự bị thương của 5 Tạng do vị gây nên (1) .
(1)-. Đoạn này nối đoạn trên, nói về cái hại của sự thái quá. Năm Hành có tương sinh, lại có tương chế, không thể thiên-​phế (bỏ lệch một bên). Nếu sự chế thái quá, thời lại có hại “tương-​tặc” (cùng làm hại). Vì thế nên, ăn nhiều vị mặn thời thủy-​vị thái quá. Mà làm thương đến Tâm ; do đó mạch sẽ đọng mà sắc biến.--. Ăn nhiều vị đắng thời Hỏa-​vị thái quá mà làm thương đến Phế, do đó bì sẽ khô mà mao rụng. --. Ăn nhiều vị cay thời Kim-​vị thái quá mà làm thương đến Can, do đó gân sẽ co rút, mà trảo khô khan.--. Ăn nhiều vị chua thời Mộc-​vị thái quá mà làm thương đến Tỳ, do đó thịt sẽ dồn lại mà môi dộp lên.--. Ăn nhiều vị ngọt thời Thổ-​vị thái quá mà làm thương đến Thận, do đó xương sẽ đau mà tóc rụng….
Năm vị cốt để nuôi 5 Tạng, Tạng này có sự “thiên-​thắng” thời cái Tạng không thắng kia sẽ bị thương.. Vậy cái sự “thừa chế” ta không nên để cho có lúc thái quá.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Cho nên : TÂM ưa vị khổ, Phế ưa vị tân, Tỳ ưa vị cam, Can ưa vị toan, Thận ưa vị hàm… đó là cái “hợp” của 5 vị đối với 5 Tạng, do đó mới nuôi nên khí của 5 Tạng.
Năm vị vào miệng, chứa ở Trường vị rồi biến hóa để nuôi khí của 5 Tạng, do đó mới hiện ra 5 sắc khác nhau, như tiết dưới.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm sắc hiện ra mặt : xanh bớt như sắc cỏ héo thời chết ; VÀNG bệch như sắc Chỉ-​xác, thời chết ; ĐEN kịt như sắc bồ-​hóng, thời chết ; ĐỎ xẫm như sắc máu đọng, thời chết ; TRẮNG bợt như sắc xương khô, thời chết. Đó là 5 sắc hiện ra chứng triệu chết.
Sắc xanh như màu lông chim trả (bói cá) ; sắc đỏ như màu mào gà ; sắc vàng như màu dưới bụng cua ; sắc trắng như màu mở đông ; sắc đen như màu lông quạ…. Đều sống. Đó là 5 sắc hiện ra cái chứng triệu sống.
Những sắc là chứng triệu chết, đều có vẻ khô khan, sạm sĩnh, tức llà không có “thần”, không có vị khí. Trái lại, những sắc hiện ra chứng trạng sống đều có vẻ bóng nhoáng, mỡ màng, tức là có “thần”, và còn vị khí.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Sinh ra ở Tâm, muốn được như lụa bọc “chu” (đỏ thắm). Sinh ra ở Phế, muốn được như lụa bọc “hồng” (đỏ nhạt, phơn phớt). Sinh ra ở Can, muốn được như lụa bọc “cam” (đỏ tía) . Sinh ra ở Tỳ, muốn được như lụa bọc hạt quát-​lâu (đỏ vàng) . Sinh ra ở Thận, muốn được như lụa bọc “tử” (tía hắc, hơi có màu đen). Đó là chân khí của 5 Tạng “vinh” ra ở ngoài sắc mặt.
Tiết trên nói về khí 5 Tạng hiện ra 5 sắc bên ngoài. Đây lại nói về cái chân khí của 5 Tạng ân hiện ra ở ngoài bì phu. Lụa là một thứ trắng. Các sắc hiện ra ở bên trong lụa, không thật bộc lộ ra bên ngoài. Bởi khí chủ về sắc trắng mà “vinh” chủ về sắc hồng…. tựa như lụa bọc…. tức là nói : “ cái khí của 5 Tạng bọc ở bên ngoài. Tất cả 5 Tạng lúc nào cũng phải ẩn hiện ở đó.”
- tức như ta thường nói : “có máu mặt”.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Sắc, vị ứng với 5 Tạng : Trắng ứng với Phế, vị Tân ; Đỏ ứng với Tâm, vị Khổ ; Vàng ứng với Tỳ, vị Ngọt ; Xanh ứng với Can, vị Toan ; Đen ứng với Thận, vị Hàm.
Cho nên trắng ứng với Bì, đỏ ứng với Mạch, xanh ứng với Cân (gân), vàng ứng với Thịt, Đen ứng với Xương.
Bao các mạch đều dồn lên MẮT (1) ; bao các tủy đều dồn lên ÓC (óc là bể của tủy) ; bao các gân dều dồn vào KHỚP (khớp xương) ; bao các huyết đều dồn vào TÂM ; bao các khí đều dồn lên PHẾ… đó là sự tuần hoàn sớm tối của “4 chi, 8 khê” (2) .
(1)-. Cái tinh khí của 5 Tạng 6 Phủ và 12 kinh mạch đều dồn lên mặt, tụ vào óc, rồi mới dẫn xuống cổ để phân tán đi các nơi.
(2)-. 4 CHI : là chỗ kinh-​du ra vào của 5 Tạng ;
8 KHÊ : tức là chỗ thịt bắp ở bên trong 4 chi, và là nơi thông-​hội chân nguyên của 5 Tạng.
Đoạn này nói : kinh huyết của 5 Tạng đều gốc ở Tâm ; khí của 5 Tạng đều gốc ở Phế. Kinh khí vòng đi khắp “4 chi, 8 khê” rồi dồn lên mặt, tụ vào óc, nhuần gân xương, trơn quan tiết (khớp xương), sớm tối dẫn đi khắp trong ngoài, như cái vòng không đầu mối. Cho nên người muốn nhận sắc, nên biết cái khí của 5 Tạng, người muốn chẩn mạch, cũng nên lấy năm mạch làm trước.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Người ta, khi nằm thời huyết dồn về CAN (1) . Can nhờ huyết nên hay trông, chân nhờ huyết nên hay đi, tay nhờ huyết nên hay nắm, ngón tay nhờ huyết nên hay cầm. (2)
Nằm, dậy, ra ngoài bị gió thổi, huyết tụ ở bì phu thành chứng TÝ (vít lấp, tê đau) ; tụ ở mạch lạc thành chứng SÁP (huyết không lưu thông) ; tụ ở chân thành chứng QUYẾT (giá lạnh). Ba chứng đó đều do huyết lần đi không trở lại được nơi CỐT-​KHÔNG (3) mà gây nên.
(1)-. Đoạn này nói về huyết theo Vệ-​khí để dẫn đi ở ngoài mạch.
Huyết là chất tinh hoa của thủy cốc ; tràn ngập ở bên trong, bố tán ở bên ngoài. Cái thứ dẫn đi ở trong kinh-​toại, tức là VINH-​HUYẾT ; còn tràn ngập ở bên trong tức là nơi XUNG-​NHÂM. Mạch Xung-​Nhâm khởi từ Bào-​trung, vòng lên sau lưng; là nơi “bể” của kinh lạc.--. Cái mạch nổi ra ở bên ngoài, nhuận vì phu, mọc hào mao, lúc thức thời theo “Vệ” dẫn về Can.
(2)-. Đây nói về Huyết dẫn đi khắp mọi nơi.
(3)-. Con người có 365 khớp xương (tức là Cốt-​không). Lạc mạch đều thấm nhuần vào đó.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Ở con người có đại-​cốc 12 phận, tiểu-​khê 354 nơi, và 12 du…. Đó đều là nơi tụ hội cùa Vệ-​khí. Tà khí “khách” ở đó , có thể dùng châm-​thạch cho tiết bỏ đi. (1)
Bắt đầu chẩn bịnh, phải xét rõ âm dương kinh khí của 5 Tạng để đoán bịnh. Muốn biết bịnh bắt đầu từ kinh nào, phải lấy kinh khí của 5 Tạng làm căn bản.
(1)-. Đại-​cốc là các huyệt lớn, tiểu-​khê là các huyệt nhỏ. “12 du” tức là 12 du-​huyệt của Đại-​cốc.
Cái số huyệt của KHÊ-​CỐC trên đây là ứng với số ngày trong một năm. Một năm chỉ có 360 ngày trừ 6 ngày “sóc, hư”, còn 354 ngày, để ứng với cái số tiểu-​khê. Mỗi năm, 5 ngày khí-​doanh, có 940 phân, sóc hư 5 ngày, có 940 phân ; hợp lại thành 12 ngày để ứng với 12 du. Lấy 1 năm 354 ngày, hợp với 12 ngày khí doanh, sóc hư, thành 365 ngày có lẻ. thành 1 năm. Nên mới nói : “mỗi năm ba trăm lẻ sáu tuần sáu ngày, lấy tháng nhuận để định 4 mùa thành 1 năm.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm nhức đầu, đau trán, là do dưới hư trên thực lỗi tại Túc Thiếu-​âm, Cự-​dương (1) quá lắm thì vào Thận.
Chóng mặt, choáng váng, mắt mờ, tai điếc, là do dưới thực trên hư, lỗi tại Túc Thiếu-​dương, Quyết-​âm ; quá lắm thời vào Can (2) .
Bụng đầy anh-​ách, suốt tới chi-​cách, dưới quyết trên mạo (chóng mặt) lỗi tại Túc Thái-​âm, Dương-​minh (3) .
Khái-​thấu hơi nghẽn, trong “hung” quyết nghịch, lỗi tại Thủ Dương-​minh, Thái-​âm (4) .
Tâm phiền, đầu nhức, bịnh ở trong cách ; lỗi tại Thủ Cự-​dương, Thiếu-​âm (5) .
(1)-. Cự-​dương tức là Bàng-​quang. Bàng-​quang với Thiếu-​âm cùng làm biểu lý cho nhau. Dương-​khí sinh ra ở trong Thủy-​tạng, Thủy-​phủ, mà dẫn lên đầu trán.
--. Trên đây nói “thực” là tà khí thực ; nói chữ “hư” là chỉ về chính khí hư. Tà khí phạm vào người, trước ở khí phận ngoài bì mao, lưu ở đây không tiết ra được thời chuyển vào kinh. Vì thế nới nói là lỗi tại Cự-​dương và Thiếu-​âm. Quá lắm thời vào Thận, đó là kinh lạc bị tà, mà dẫn sâu vào Tạng-​phủ.
(2)-. Quyết-​âm Can tạng, khai khiếu ở mắt ; Thiếu-​dương kinh mạch dẫn lên ở tai. Tà thực ở dưới khiến cho kinh khí không thông lên được, nên mới thành ra chứng mắt mờ, tai điếc ; chính khí hư ở trên nên mới thành ra chứng choáng váng.
(3)-. Bụng là thành quách của TỲ-​VỊ. Bụng đầy anh ách đó là phạm vào khí phận của Thái-​âm, Dương-​minh. CHI-​CÁCH tức là chi-​lạc và nội-​cách. Cái chi lạc của Thái-​âm, Dương-​minh suốt vào nội cách. Tà ở khí phận chuyển vào Lạc, nên mới đầy ở cả chi-​cách.
(4)-. Thủ Thái-​âm chủ về khí và bì mao. Tà phạm vào khí phận bì mao, thời sinh ra chứng khái-​thấu thượng khí.
(5)-. Cái khí của Quân-​hỏa bị tà phạm ở bên ngoài thời sinh ra Tâm phiền ở bên trong ; cái khí của Thái-​dương bị tà thời gây nên chứng nhức ở trên.
Đoạn trên này xét chứng trạng để biết bịnh của 5 Tạng.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Về mạch có ĐẠI-​TIỂU-​HOẠT-​SÁT-​PHÙ-​TRẦM ; có thể chia rõ ; cái Tượng của 5 Tạng, có thể lấy loại để suy. 5 Tạng hợp với 5 âm, có thể lấy ý để biết ; 5 sắc hiện ra nét mặt, có thể lấy mắt để trông. Người ta nếu hay đem hợp cả sắc với mạch thời về phép chửa bịnh có thể vẹn toàn (1) .
“XÍCH” mạch hiện đến, thấy XUYÊN mà KIÊN, ấy là có tích khí ở trong, do bị hại về sự ăn, bịnh đó gọi là TÂM-​TÝ. Nếu bịnh mắc bởi ngoại-​dâm, thời cũng bởi nghĩ-​ngợi khiến cho Tâm hư, nên tà khí mới có thể phạm vào được. (2)
“BẠCH” mạch hiện đến, XUYÊN mà PHÙ, đó là trên hư dưới thực, sẽ thành chứng KINH ; bởi có tích khí ở trong HUNG. Nếu XUYÊN mà HƯ thời gọi là PHẾ-​TÝ HÀN-​NHIỆT. Bịnh này gây nên bởi say rượu mà nhập phòng…(3)
“THANH” mạch hiện đến, TRƯỜNG mà bựt mạnh ở tả hữu đó là bởi có tích khí ở Tam-​hạ và 2 bên sườn gọi là CAN-​TÝ. Bịnh này gây nên bởi Hàn-​thấp, với chứng SÁN giống nhau, hoặc lưng đau chân lạnh và đầu nhức (4)
“HOÀNG” mạch hiện đến, ĐẠI mà HƯ, có tích khí ở trong bụng gọi là QUYẾT-​SÁN, cùng một chứng trạng của đàn bà giống nhau. Bịnh này gây nên bởi tứ-​chi có mồ hôi mà gặp gió. (5)
“HẮC” mạch hiện đến, trên KIÊN mà ĐẠI, đó là vì có tích khí ở tiểu-​phúc với tiền-​âm, gọi là chứng THẬN-​TÝ. Chứng này gây nên bởi tắm gội nước lạnh mà đi nằm ngay. (6)
(1)-. Đoạn này nói về chẩn mạch, xem sắc để biết bịnh của 5 Tạng. Mạch TIỂU là chính khí hư ; ĐẠI là tà khí thịnh ; HOẠT chủ về huyết thương ; SẮC chủ về thiểu khí ; PHÙ là bịnh ở ngoài, ở phủ ; TRẦM là bịnh ở lý, ở Tạng ; 6 mạch trên đây là đại cương của các mạch khác.
(2)-. Dưới đây là nói về mạch của 5 Tạng. nhưng không dùng tên tạng mà dùng sắc của tạng ; như XÍCH tức là TÂM, BẠCH tức là Phế…. “XUYÊN” là hình dung mạch nhanh chóng ; “KIÊN” là mạch rắn.
--. Gây nên tích khí là bởi thương thực, hoặc để cho ngoại tà phạm được là bởi Tâm hư.
(3)-. PHẾ chủ về khí mà hư, nên mạch PHÙ ; bịnh ở khí mà không bịnh ở huyết, bịnh ở trên mà không bịnh ở dưới, cho nên mạch trên hư mà dưới thực. Dương khí hư nên thành chứng KINH. “HUNG” là một nơi chứa khí (bể của khí), khí đó dồn cả lên Phế để chủ về việc hô hấp. Tà tụ ở bộ phận trên thời chính khí ở chiên-​trung sẽ bị hư, cho nên thành chứng SUYỄN… chân khí chứa ở Phế, chủ về việc dẫn hành Vinh-​vệ âm dương. Giờ âm dương bị hư, thời sẽ gây nên chứng vãng lai HÀN-​NHIỆT. Rượu là một chất lỏng của ngũ cốc, nó có cái tính rất mạnh tợn. Nó vào trong Vị, khiến cho Vị phải trương lên và dồn khí ngược lên, thành ra chứng đầy khó chịu ở trong bụng. Say rượu mà nhập phòng thời sẽ thương đến THẬN. Thận là gốc, Phế là ngọn. giờ gốc bị thương cho nên Phế hư.
(4)-. TRƯỜNG mà bựt mạnh tức là “HUYỀN”. Mạch Huyền là Dương khí bị thương. Phàm chứng hàn-​thấp phạm vào người ta, phải từ chân trước. Mạch của kinh Quyết-​âm từ chân lên gối, qua âm khí lên tiểu-​phúc rồi tới Hiếp-​lặc (xương sườn) cho nên bịnh này cũng giống với bịnh SÁN-​THỐNG. mà lưng đau mà chân lạnh. Quyết-​âm với Đốc mạch cùng hợp với cả đỉnh đầu, cho nên có chứng Nhức đầu.
(5)-. TỲ thuộc về tứ-​chi. Tứ chi ra mồ hôi mà gặp gió, thời phong-​thấp sẽ lấn vào Tỳ, mà thành ra chứng tích khí. Khí đó bị tích lại, không thấm nhuần ra tứ bàng được, thời nghẽn ở bên trong, mà thành ra chứng QUYẾT-​KHÍ. Sở dĩ gọi là chứng QUYẾT-​SÁN là vì vừa nghẽn lại vừa đau. Về Huyết-​khí con trai con gái cũng giống nhau, nên đây nói cũng giống với đàn bà.
(6)-. Trên đây nói mạch ở trên KIÊN… tức là KIÊN-​ĐẠI ở trên mà không TRẦM. Thận tạng thuộc về Hàn thủy mà chủ khí, cùng với nước lạnh một tính chất, nên mới vì tắm mà sinh bịnh ra vậy .,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm nói những mạch. Cơ-​kinh thuộc về 5 sắc :
Mặt vàng, mắt xanh ; mặt vàng, mắt đỏ ; mặt vàng, mắt trắng ; mặt vàng, mắt đen… đều không chết.
Nếu mặt xanh, mắt đỏ ; mặt đỏ, mắt trắng ; mặt xanh, mắt đen ; mặt đen, mắt trắng ; mặt đỏ, mắt xanh… đều chết (1) .
(1)-. “CƠ KINH” tức là nói về mạch-​sắc của XUNG-​NHÂM. Xung nhâm là cái bể của kinh huyết. huyết của 5 Tạng đều dồn cả về CAN, cho nên hiện ra bên ngoài ta thấy ở mắt. Mặt chủ về khí sắc, mắt chủ về huyết sắc. Nhân 5 sắc ở mắt mà đều thấy có mặt vàng, đó là âm của 5 tạng vẫn còn có dương của Vị quản, nên không chết.--. Người ta không có vị khí thời chết. mặt không có sắc vàng, tức là không có vị khí. Ở mặt mà ta chỉ thấy những sắc xanh, đen vả đỏ v.v… đó là tạng tà lấn dương, chỉ còn có âm mà không có dương nên mới đoán là điều chết.,.
--0o0--
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 11
NGŨ TẠNG BIỆT LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trẩm nghe những kẻ phương-​sĩ (1) hoặc lấy não tủy làm Tạng, hoặc lấy Trường vị làm Tạng hoặc lấy làm Phủ… mà đều lấy làm phải cả, không biết vì sao. Xin nói rõ cho nghe…
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Não, tủy, cốt, mạch, đởm, nữ tử bào… 6 thứ đó đều do Địa khí sinh ra. Nó đều tàng ở âm, mà tượng với Đất. Chỉ có tàng mà không tàng, gọi nó là “kỳ hằng chi Phủ”. Đến như Vị, Đại trường, Tiểu trường, Tam tiêu, Bàng quang… 5 cái đó đều do Thiên khí sinh ra. Khí của nó tượng với trời chỉ tả mà không tàng, nó hấp thụ cái trọc khí của 5 tạng, nên gọi là “Truyền hóa chi Phủ”. Nó không thể tích trữ được lâu mà phải du tả ngay (2) .
PHÁCH-​MÔN cũng là một cơ quan sai khiến của 5 tạng, thủy cốc tới nơi đó, không thể chứa lâu (3) .
(1)-. PHƯƠNG-​SĨ là những kẻ tu luyện phương-​thuật như học đạo Thần-​tiên v.v….
(2)-. Đất chủ về bế tàng mà khí bốc lên, trời chủ về thí-​hóa mà khí giáng xuống. Con người ta tạng phủ hình hài ứng theo với khí âm dương của trời đất. Sáu thứ trên đây, khác với các cơ quan truyền hóa, nên gọi là KỲ-​HẰNG…
(3)-. PHÁCH-​MÔN tức là GI­ANG-​MÔN, hoặc HẬU-​MÔN : nơi cửa bài tiết đại tiện, nên thủy cốc không chứa được lâu.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm gọi là 5 Tạng, tức là những cơ quan chứa tinh khí mà không tả, nó chỉ MÃN mà không THỰC. Đến như Phủ là một cơ quan truyền hóa mà không tàng, cho nên chủ Thực mà không thể Mãn. Bởi vì thủy cốc vào miệng, thời Vị thực mà Trường hư, khí thức ăn đã dẫn xuống thời Trường thực mà Vị hư. Cho nên nói : “ Thực mà không Mãn ; Mãn mà không Thực”. (1)
(1)-. Tinh khí mới có thể nói là “MÃN” (đầy tràn). Thủy cốc mới có thể nói là “THỰC” (đầy đặc)… Tạng chỉ chứa tinh khí, nên chỉ mãn mà không thực. Còn như các phủ thời thủy cốc có thể đầy đặc ở trong, nhưng cũng không thể chứa lâu, nên mới nói là :”Thực mà không Mãn”.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Khí-​khẩu sao lại có thể làm chủ được cả 5 Tạng ? (1)
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Vị, coi cũng như cái biển để chứa thủy cốc, nó là nguồn gốc của 6 phủ. Năm vị ăn vào miệng chứa ở Vị để nuôi khí của 5 tạng, KHÍ KHẨU cũng tức là Thái-​âm. Phàm khí vị của 5 tạng, 6 phủ đều sản xuất ra từ Vị, rồi biến hiện lên Khí-​khẩu. Cho nên ở TẠNG TƯỢNG LUẬN đã nói : “5 khí hút vào mũi, chứa ở Tâm-​Phế”. Tâm-​phế có bịnh, mũi cũng vì đó mà thở không thông. (2)
(1)-. KHÍ-​KHẨU là nơi của 2 mạch Thủ, Túc Thái-​âm. Cho nên khí của 5 tạng đều hiện ra ở khí-​khẩu, và do đó khí khẩu làm chủ cả 5 Tạng.
(2)-. Thủy cốc vào Vị, do Túc Thái-​âm chuyển du để thấm gội ra 4 tạng. Nhưng “thủy” vào vị lại do Thủ Thái-​âm Phế chứa lấy, rồi phân tán ra các nơi, “cốc” vào với vị, tinh khí truyền sang mạch, Phế làm nơi tổng hợp của trăm mạch và truyền tinh ra bì mao. Bì mao và mạch hợp với tinh, rồi hành khí ra tạng phủ. Vậy thời bao khí-​vị của 5 tạng 6 phủ đều sản xuất bởi Vị và đều hiện ra Khí-​khẩu, nên nói : “Khí-​khẩu cũng là Thái-​âm”.
Tâm với Phế ở bộ phận trên, thuộc Dương. Phế như cái lọng che của Tâm, khai khiếu lên mũi cho nên dẫn câu của TẠNG TƯỢNG LUẬN mà nói cho rõ là : “Vị theo về Âm, mà khí theo về Dương”.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm trị bịnh, phải xét ở bộ phận dưới như Trường-​Vị, là nơi thu nạp và bài tiết thủy cốc ; lại phải chẩn ở Khí-​khẩu để đoán cái khí của Tạng-​phủ rồi mới nhận xét đến chí-​ý và bịnh tình ra sao.
Nếu câu nệ vào quĩ-​thần, không thể nói là đức tốt ; nếu lại ghét cả châm thạch, không thể tiến tới chí-​sảo. (1)
Người mắc bịnh, không muốn để cho dùng đúng phương pháp để điều trị, bịnh tất không khỏe, dù có cố chữa cũng là vô ích.
(1)-. Ngày xưa có thuật “chúc do” dùng để chữa bịnh, tựa như phép của thầy phù thủy… có thể đem bịnh của người truyền sang loài vật, rồi vật mắc bịnh mà người khỏi….
Trên đây nói về “quĩ thần” tức là chỉ về thuật này.
--0o0--
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 12
DỊ PHÁP, PHƯƠNG NGHI LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Y-​giả trị bịnh, cùng một bịnh mà phép chữa không giống nhau, lại cùng đều khỏi, là vì sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Đó là do địa-​thế khác nhau.
Tỉ như :
--. Đông phương là một khu vực, cái khí của trời-​đất phát sinh ra từ đó. Nơi đó sản xuất cá và muối, nên gần bể. Người sinh ở đó hay ăn cá và ưa vị mặn, Ở đã lấy làm quen, ăn đã lấy làm ngon. Cá ăn khiều khiến người hay có chứng Nhiệt-​trung (nóng ruột) vị mặn thắng được huyết, nên người ở đó phần nhiều sắc đen mà thớ thịt thưa loãng. Thường mắc phải bịnh UNG-​THŨNG (mụn nhọt) (1) Về phép trị nên dùng Biêm-​thạch. Cho nên Biêm-​thạch sản xuất ở phương Đông. (2)
(1)-. Tính của loài cá đều thuộc Hỏa, nên ăn nhiều hay sinh Nhiệt-​trung. Tâm chủ về huyết, cho nên vị mặn thắng huyết (thủy khắc hỏa). Vì huyết bị khắc hoặc sinh ra ngừng trệ, không lưu thông nên nới gây ra chứng UNG-​THŨNG.
(2)-. “BIÊM-​THẠCH” tức là một thứ đá để chích vào huyết mạch cho tán bỏ ngưng trệ.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
--. Tây-​phương là khu vực sản xuất loài kim-​ngọc, sa thạch cũng tụ họp nơi đó. Khí của trời đất chủ về thâu dẫn. Người sinh ở nơi đó thường ở nơi cao có nhiều gió, thủy thổ lạnh lẽo và cứng rắn. Dân thường mặc áo lông, ăn những vị đậm béo, nên tạng người béo chặt và nhiều mỡ…. do đó, tà khí không thể phạm vào được thân thể, tật bịnh chỉ có thể từ bên trong phát ra. (1)
Về phép điều trị, nên dùng độc dược (các thứ thuốc có chất độc). Cho nên độc dược cũng sản xuất ở Tây-​phương. (2)
(1)-. Người đã béo đẩy rắn chắc, thời tà khí còn phạm vào sao được. Nên đôi khí mắc bịnh, chỉ có thể là do ăn uống và thất tình gây nên.
(2)-. Chỉ độc-​dược mới có thể công tà. Nên trên đây nói phải dùng độc dược.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
--. Bắc-​phương là một khu vực bế tàng của trời đất. Đất ở đó phần nhiều cao như gò núi, gió rét cắt da, nước đóng thành băng. Người sinh nơi đó hàn sinh ra chứng MÃN (đầy).
Phép chữa nên dùng Ngải-​cứu, cho nên ngải cứu cũng sản ra ở phương Bắc. (1)
(1)-. Dương vốn sinh ra tự âm, hỏa vốn sinh ra tự Thủy. Ngải là một thứ cỏ bẩm thụ được cái chân Dương ở trong Thủy. Bắc-​phương riêng thịnh về khí âm-​hàn, dương khí bị bế tàng. Dùng ngải để cứu, có thể thông tiếp được nguyên dương ở dưới Chí-​âm, nên ngải cũng sản xuất ở phương Bắc.
ĐÔNG-​DUY-​VẤN nói : “Xem đây thởi biêt, gặp những bịnh Hư-​hàn, TRƯỚNG-​MÃN, phép chữa nên dùng ÔN BỔ để khai phát nguyên dương, không nên dùng những vị hàn lương khắc phạt.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
--. Nam-​phương, là một khu vực Trưởng-​dưỡng của trời đất. dương khí rất thịnh ở đó. Đất ở đó thấp và thủy thổ ẩm ướt, thường tụ nhiều vụ-​lộ (sa mù và móc). Người sinh nơi đó ưa ăn vị chua và các thức ướp (như tương, mắm), tạng người thớ thịt mịn đặt và hiện sắc đỏ ; phần nhiều mắc bịnh LOAN-​TÝ. (1)
Về phép trị, nên dùng “vi-​châm”. Cho nên “cửu-​châm” cũng sản xuất tại phương Nam. (2)
(1)-. Vị TOAN, có cái năng lực thâu liễm, nên thớ thịt mịn chặt, đỏ, là thuộc về phương Nam, và đó là sắc hiện ra bên ngoài.
--. LOAN-​TÝ : là một chứng gân bị co rút và tê đau.
(2)-. VI-​CHÂM là một thứ châm (kim) nhỏ, chỉ dùng để tiêm vào làn da mỏng. Châm có 9 kiểu khác nhau, vì các bịnh khác nhau, nên phải dùng châm khác nhau. -- . Sẽ nói rõ ở LINH-​KHU.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
--. Trung ương, đất bằng phẳng và ẩm thấp, là nột khu vực trời đất sinh ra muôn vật đông nhiều. Người sinh nơi đó ăn uống nhiều thứ mà không bị vất vả lắm nên thường mắc bịnh NUY-​QUYẾT-​HÀN-​NHIỆT. (1)
Về phép chữa, nên dùng phép “đạo dẫn, án cược”. Cho nên phép đạo dẫn án cược cũng sản xuất ở Trung-​ương. (2)
Cho nên Thánh-​nhân tùy theo các địa phương, các khí hậu để thi dụng các phương pháp trị liệu, đều được thích nghi (đúng). Vì thế nên phép trị khác mà bịnh đều khỏi.
(1)-. Trung-​ương tức Thổ-​vị, nên muôn vật sinh ra ở đó.
Vì 4 phương tụ họp, phẩm vật đầy đủ, nên về sự ăn uống cũng không có nhất định.
Sở dĩ sinh ra NUY, QUYẾT, và HÀN, NHIỆT, là vì vận động ít. Khí huyết không lưu thông.
Đây cũng là nói các đại khái, chứ không nhất định.
(2)-. ĐẠO-​DẪN như lối dơ tay lên, co tay xuống của phép thể thao.
ÁN-​CƯỢC : như đấp bóp hoặc dùng chân dậm lên lưng v.v….
Về phương pháp này mục đích là làm cho khí huyết được lưu thông.
--o0o--
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 13
DI TINH BIẾN KHÍ LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trẩm nghe đời xưa trị bịnh, làm cho di-​ích tinh, biến hóa khí…. Chỉ cần dùng phép “chúc-​do” mà thôi. Đến đời nay trị bịnh, dùng độc dược để trị bên trong, dùng châm thạch để trị bên ngoài… thế mà có người khỏi, có người không khỏi, là vì sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Về đời Vãng-​cổ, người ở lẩn vào khoảng cầm-​thú, động tác (làm mạnh) để cho khỏi hàn, âm cư (núp dưới bóng râm) để cho khỏi nắng. Bên trong không có điều gì hệ-​lụy, bên ngoài không có sự gì bó buộc. đó là một thời đại điềm đạm, chỉ ý hoàn toàn thỏa thích, tà không thể lọt vào sâu. Vì thế nên không cần dùng độc dược để trị bên trong, cũng không dùng châm thạch để trị bên ngoài…. Mà chỉ dùng “chúc-​do” cũng có thể khỏi.
--. Đến đời nay thì khác hẳn. sự ưu hoạn làm rầy bên trong, việc nhọc nhằn làm lụy bên ngoài ; đã trái với khí của 4 mùa, lại ngược với sự “thích nghi” của Hàn thử (rét nóng). Gió độc thổi tới luôn, hư tà quanh sớm tối… bên trong vào đến không khiếu bì phu. Vì thế nên bịnh nhẹ hóa nặng, bịnh nặng thời chết ; dù có Chúc-​do cũng không công hiệu.
Hoàng-​Đế khen phải, rồi lại hỏi rằng :
--. Trẩm muốn khi trị bịnh, biết rõ được sống chết. Phân biệt được hiềm nghi, tìm tới điều cốt yếu, không hề thiếu sót… làm thế nào được như vậy ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Xem sắc, chẩn mạch, là một điều kiện rất cần thiết. Phải hợp với 5 hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và thời tiết của 4 mùa, gió của 8 phương… đều có thể do sắc và mạch để xét đoán.
Về đời Trung-​cổ, đối với việc trị bịnh, đợi bịnh đến rồi mới trị. Dùng thang dịch (thuốc nước) điều trị trong 10 ngày, để trừ khử các chứng bịnh thuộc về “tám gió, năm Tý. (1)
(1)-. Tám gió là gió thuộc 8 phương ; TÝ là tê đau ; 5 Tý là :
Mùa Xuân (giáp. ất) bị thương về phong là CAN-​TÝ ;
Mùa Hạ (bính, đinh) bị thương về phong là TÂM-​TÝ ;
Mùa Thu (canh, tân) bị thương về phong là PHẾ-​TÝ ;
Mùa Đông (nhâm, quý) bị thương về phong là THẬN-​TÝ ;
Vê Chí-​âm (Mậu, kỷ - Trung ương Thổ) mà mắc bịnh là TỲ-​TÝ ;
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Nếu qua 10 ngày mà vẫn không khỏi sẽ phải dùng các cành của loài thảo-​tô, thảo-​cai (cành và rễ) cả gốc lẫn ngọn để điều trị. Tiêu, bản đã được, tà sẽ tiêu tán.
Đến đời gần đây thời không được như thế nữa. Không biết nhận khí hậu của 4 mùa. Không hiểu lẽ âm dương, không biết đường thuận nghịch. Khi bịnh đã thành rồi, mới dùng “vi châm” để trị bên ngoài, dùng thang-​dịch để trị bên trong. Bọn thô-​công lại càng liều lĩnh, cho là bịnh có thể dùng phép “công” khiến cho bịnh cũ chưa khỏi, bịnh mới lại sinh ra…. Đó thật là cái lỗi không chịu xét rõ sắc và mạch, không nhận đích được tinh khí thịnh hay hư, và cái lẽ “tiêu, bản” nên mới đến như vậy.
Đế hỏi rằng :
--. Xin cho biết lẽ cốt yếu thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Cái cốt yếu của sự trị bịnh là xét ở sắc và mạch. Sau khi nhận rõ thế nào là thuận, thế nào là nghịch, thế nào là tiêu, thế nào là bản. Rồi lại phải xét xem có “thần” hay không. Nếu không có thần thời sẽ chết. Đó là cái cốt yếu của sự trị bịnh.,.
-- o0o --
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 14
THANG-​DỊCH, GI­AO-​LỄ LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Dùng ngũ cốc để làm thang-​dịch với gi­ao-​lễ (rượu ngọt) như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Phải dùng lúa đạo (tức gạo nếp) đun bằng rơm lúa gạo. Gạo lúa đạo có cái tính chất hoàn toàn để nuôi được 5 tạng. Rơm lúa gạo có cái khí hợp với “Bính, tân” để hóa Thủy và nuôi được 5 tạng. Sở dĩ dùng như vậy là cốt để cho giúp ích cái sự chuyển vận của trung ương để thấm nhuần ra 4 tàng bên ngoài.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Đời Thượng-​cổ, tuy có làm ra thang-​dịch gi­ao-​lễ nhưng chỉ làm mà không dùng, là vì cớ sao?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Các bậc Thánh-​nhân đời xưa làm ra thang-​dịch gi­ao-​lễ , là chỉ làm để phòng bị khi nào tà khí nó phạm đến đấy thôi. Nhưng các người về thời kỳ đó phần nhiều giữ được hoàn toàn thiên-​chân, nên tặc-​phong không mấy khi phạm vào được. Vì thế, dù có làm ra thang-​dịch gi­ao lễ, mà cũng không mấy khi phải dùng đến.
Đến đời Trung-​cổ về sau, về sự giữ gìn thiên chân cũng đã có phần không được hoàn toàn chu đáo, mà tặc-​phong cũng có đôi khi phạm tới ; khi đó dùng tới thang-​dịch, gi­ao-​lễ thời rất công hiệu.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Đến đời nay thường dùng mà bịnh cũng không thấy khỏi hẳn, là vì sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Ở đời nay, tất phải thu góp các thứ độc dược để trị bên trong, và các thứ “sàm, thạch, châm, ngãi” để điều trị bên ngoài, thời bịnh mới mong khỏi được.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Đôi khi thấy người ta trị bịnh, đã châm thích khắp các nơi, bị nhục cân cốt và các huyết mạch đều đã sơ thông, mà công hiệu vẫn không thấy, là vì sao ?
--. Đó là vì người dùng châm không xử dụng được tinh thần, nên dù có trị cũng là vô ích.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Thế nào là không xử dụng được tinh thần ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Người dùng châm, nếu tinh thần mình không chuyên nhất, thì ý của mình không vững vàng, thời dù có châm, bịnh cũng khó lòng khỏi. Giờ bịnh nhân tinh thần đã tan rã, vinh vệ lại hao mòn, lại thêm thị dục vô cùng, ưu hoạn nối tiếp, tinh khí bại hoại, còn khỏi sao được !!
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Bịnh lúc mới phát sinh, còn kết tụ ở ngoài bì phu. Nếu không điều trị ngay, lại để lúc bịnh đã thành, thời dù có châm thạch, lương-​dược cũng không kịp nữa. Các lương công đời bây giờ, cũng đã đều biết dùng thang-​dịch, biết các số hạn của bịnh-​khí tiến hay thoái, lại gần gụi bên cạnh, nghe rõ tiếng nói, xét rõ mạch sắc… thế mà chữa bịnh vẫn không khỏi là vì sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Bịnh ở nơi gốc, mà “công” lại trị ở ngọn, tà khí vẫn đâu đóng đấy, khỏi sao được !!
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Dương-​khí không bảo vệ được ở ngoài bì phu, đó là vì dương khí ở 5 tạng đã kiệt. Tân dịch không được nhờ khí hóa của Bàng-​quang, nên đầy tràn ra ngoài bì phu, bì phu phù thũng, tứ chi co rút…. Gặp chứng trạng như vậy, nên điều trị theo phương pháp nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Nên làm cho huyết mạch điều hòa, dồn bỏ tích trệ bên trong, vận động tứ chi cho khí huyết khỏi ngừng trệ, lại làm cho Phế-​khí ấm áp… cơ nhục và huyết mạch đã điều hòa, thời chứng thũng-​mãn sẽ tiêu. Tiếp đó, lại dùng phép “khai quỹ môn” (làm nở chân lông, tức phát hãn) và “khiết-​tĩnh phủ” (thông bàng-​quang, tức lợi tiểu tiện), tinh khí sẽ do đó mà hồi phục, Dương khí của 5 tạng đều được tán bố…. bịnh sẽ tự khỏi.
Hoàng-​Đế khen phải.,.
--0o0—
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 15
NGỌC-​BẢN LUẬN YẾU THIÊN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trẩm nghe ở thiên QUỸ-​ĐẠC, KỲ-​HẮNG, nói về bịnh ; ý nghĩa, phương pháp không giống nhau, vậy phương pháp dùng thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. “QUỸ-​ĐẠC” là một phương pháp đo lường xem bịnh nông hay sâu ; “KỲ-​HẰNG” là nói về các chứng bịnh khác thường. Hảy xin nói về “CHÍ, SỐ” : phàm mạch biến về 5 sắc, sự đo lường về những bịnh khác thường “kinh” dù khác mà “đạo” thời chỉ có “một”. MỘT đó tức là cái “Thần” của con người. Khi thần ấy đã có, sẽ vận chuyển tới khắp 5 tạng, không còn bị ngưng trệ. Nếu bị ngừng trệ, tức là không có sự vận chuyển từ trước. Nghĩa đó rất tinh vi ; không thể coi thường mà không chú ý.
Phàm dung-​sắc của con người, hiện ra ở bộ phận trên, dưới, tả, hữu, đều có sự “thích nghi” của nó. Thấy sắc hiện ra có vẻ nông nổi, đó là bịnh tà chưa vào sâu, nên dùng thang dịch để điều trị, trong vòng 10 ngày có thể khỏi (tức là hết lượt của 10 Can). Thấy sắc hiện ra có vẻ xa-​sâu, đó là bịnh tà đã vào sâu, phải dùng dược tể để điều trị, trong vòng 21 ngày có thể khỏi (1) . Nếu thấy sắc hiện ra có vẻ thật sâu, đó là bịnh tà đã quá nặng, phải dùng gi­ao-​lễ để điều trị, trong vòng 100 ngày có thể khỏi.
--. Nếu bịnh nhân sắc mặt trắng bợt, thịt má hốc hác : không thể chữa. Nhưng cũng phải quá cái thời hạn 100 ngày, mà mạch ĐOÃN, khí TUYỆT mới chết.
--. Nếu mắc phải ÔN bịnh, mà thể chất hư quá, cũng chết.
Như trên kia đã nói : “ Dung-​sắc hiện ra ở bộ phận trên, dưới, tả, hữu…” đó là vì sắc hiện ra ở bộ phận trên đó là cái chứng triệu bịnh thế đương hằng, nên gọi là “NGHỊCH”. Thấy sắc hiện ra ở bộ phận dưới, tức là cái chứng triệu bịnh thế đã suy, nên gọi là “THUẬN”.
Con gái, sắc hiện ra ở bên hữu… con gái thuộc âm, mà bên hữu cũng thuộc âm, như thế là “độc âm”, nên gọi là “nghịch”, nếu hiện ra ở bên tả, là dương đã hòa với âm, tức là “thuận”.
Con trai, sắc hiện ra ở bên tả… con trai thuộc dương, mà bên tả cũng thuộc dương, như thế là “độc dương”, nên gọi là “nghịch” ; nếu hiện ra ở bên hữu, là âm đã hòa với dương, tức là “thuận”.
--. Lại như, con trai mà sắc hiện ra bên tả, thế là “trùng dương”, nên gọi là mạch chết ; con gái mà sắc hiện ra bên hữu, thế là “trùng âm” cũng là bịnh chết. Đó là do âm dương tương phản mà gây nên bịnh. Phương pháp điều trị, cần phải xét xem mạch PHÙ hay TRẦM, như cán cân không để cho sai lệch. Đó là qui tắc của các thiên “KỲ-​HẰNG và QUỸ-​ĐẠC” vậy.
(1)-. Sắc hiện ra có vẻ sâu, thời bịnh thế cũng sâu. Nên phải hợp các thứ độc dược thành thang tể để điều trị.
--. “hai mươi” là con số cuối của số “chẳn” ; “một” là con số bắt đầu của khí sinh dương. Tính về 10 can, đã đi tới 2 lượt, lại gặp “giáp” để hóa “thổ”. 5 tạng thuộc âm, khí sắc thuộc dương…. Đến ngày thứ 21 là thời kỳ sinh khí của 5 tạng bắt đầu hồi phục. Nên bịnh tình cũng theo đó mà khỏi.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm án vào mạch, thấy mạch bựt trên tay, đó là mạch trạng của chứng TÝ (tê đau tay) ; chứng LIỆT (tê đau chân) ; chứng lúc HÀN lúc NHIỆT.
--. Mạch hiện ra chỉ có âm mà không có dương ; hoặc chỉ có dương mà không có âm, gọi là mạch “CÔ”. Có âm mà không có dương là mạch trạng của Vệ-​khí tiêu mòn ; có dương mà không có âm là mạch trạng của Vinh-​khí tiêu mòn.
--. Mạch HƯ mà lại kiêm có chứng TIẾT-​TẢ, đó là vì “Đoạt huyết” (mất huyết). Bởi huyết thuộc về âm-​loại, chứng “tiết” dù không phải là huyết nhưng huyết do đó mà HƯ, nên mới gọi là “đoạt huyết”.
Mạch “CÔ” thuộc về tình trạng thiên thắng, nên mới gọi là “nghịch’. Nếu chỉ HƯ, còn có thể BỔ, nên mới gọi là “THUẬN”.
Phàm muốn thi hành cái phương pháp của thiên KỲ-​HẰNG, phải từ Thái-​âm trước. Bởi khí-​khẩu thuộc Thốn, có thể quyết được sống chết. Nên phải chú ý vào đó.
Ở ngũ-​hành, phàm cái gì khắc lại mình, gọi là “sở bất thắng” ; nếu làm theo sự “sở thắng”, tức là “nghịch”, nghịch thời chết. (1)
Ở ngũ-​hành, phàm cái gì mình khắc lại được, gọi là “sở thắng” ; nếu làm theo sự “sở thắng”, tức là “thuận”, thuận thời sống. (2)
Cho nên 8 gió, 4 mùa, hoặc làm theo “sở bất thắng” hoặc làm theo “sở thắng”, đều hết rồi lại bắt đầu. Nếu qua một lần “nghịch-​hành” thời tức là “hành sở bất thắng”, bệnh tất chết, không chối được nữa.
(1)-. Tỉ như : ở Mộc-​bộ mà hiện Kim-​mạch ; Kim-​bộ mà hiện Hỏa-​mạch ; Hỏa-​bộ mà hiện Thủy-​mạch ; Thủy-​bộ mà hiện Thổ-​mạch ; Thổ-​bộ mà hiện Mộc-​mạch….
(2)-. Tỉ như : Mộc bộ mà hiện Thổ-​mạch ; Thổ-​bộ mà hiện Thủy-​mạch ; Thủy-​bộ mà hiện Hoả-​mạch ; Hỏa-​bộ mà hiện Kim-​mạch ; Kim-​bộ mà hiện Mộc-​mạch….,.
-- o0o --
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 16
CHẨN YẾU KINH CHUNG LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Cái cốt yếu của phép chẩn mạch, như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Tháng Giêng, tháng Hai, khí Trời mới sinh, khí Đất mới chớm…. khí của Người qui tụ vào Can, vì Can thuộc Mộc.
-. Tháng Ba, tháng Tư, là 2 tháng Thìn-​Tỵ. Nguyệt-​kiến thuộc vể Thổ với Hỏa. Khí trời lúc đó đã tỏ hẳn, khí đất lúc đó đã định hẳn, khí của người quy tụ vào Tỳ, vì Tỳ thuộc Thổ mà Thổ lại sinh Hỏa (?)
-. Tháng Năm, tháng Sáu, là 2 tháng Ngọ-​Vị. Nguyệt-​kiến thuộc Hỏa, Hỏa thuộc phương Nam. Khí trời đã thịnh, khí đất đã cao, khí của người qui tụ lên đầu, vì đầu thuộc Nam-​phương Hỏa.
-. Tháng Bảy, tháng Tám, là 2 tháng Thân-​Dậu. Nguyệt-​kiến thuộc Kim, Kim thuộc Tây-​phương. Dương khí của trời giáng xuống, mà âm khí của đất bốc lên, mới bắt đầu túc sái (hanh và lạnh), khí của người qui tụ vào Phế, vì Phế thuộc về Tây-​phương Kim.
-. Tháng Chín, tháng Mười, là 2 tháng Tuất-​Hợi. nguyệt-​kiến thuộc về Thủy. âm-​khí mới bắt đầu đọng giá, địa-​khí mới bắt đầu vít lấp, khí của người qui tụ vào Tâm… tức là Dương-​khí đã vào Tạng.
-. Tháng Mười một, tháng Mười hai, là 2 tháng Tý-​Sửu. nguyệt-​kiến thuộc Thủy. Thủy thuộc về phương Bắc. Thủy đã cứng rắn, khí đất đã hợp, khí của người qui tụ vào Thận, vì Thận thuộc Bắc-​phương Thuỷ.
Cho nên, mùa Xuân thời “thích” ở Tán-​du (các du huyệt ở đường mạch), với các tấu lý. Thấy chớm máu thời thôi. Nếu bịnh hơi quá, thời cho hơi sâu châm xuống, để cho khí đạo được lưu thông.
Mùa Hạ “thích” vào Lạc-​du (các huyệt của Lạc), thấy chớm máu thời thôi. Nếu để cho khí đạo truyền đi quá, lại gây nên sự bế tắc, mà bịnh đau càng tăng.
Mùa Thu “thích” vào các thớ thịt ở bên trong bì phu ; hoặc để nông, hoặc xuống sâu, nhưng chỉ được vào tới thớ thịt, hể thấy thần khí biến chuyển thời thôi ngay.
Mùa Đông “thích” vào các “du-​khiếu” ở bên trong thớ thịt (gần tới xương). Bịnh nặng cho thẳng châm sâu xuống. Bịnh nhẹ chỉ nên để châm tới thớ thịt mà thôi.
Tất cả 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đều có nơi “thích” nhất định, mà nông sâu đều có phép, không thể nhầm lẫn.
*. mùa Xuân mà thích vào bộ phận của mùa Hạ thời mạch loạn, khiến người khí sút đi, tà khí sẽ lấn vào cốt-​tủy, bịnh không thể khỏi. Do đó bịnh nhân sẽ không muốn ăn và thiếu khí.
Mùa Xuân mà thích vào bộ phận của mùa Thu, thời bịnh nhân gân sẽ co rút và khí nghịch, lại sinh chứng khái-​thấu ; bịnh không thể khỏi, thường lại sinh thêm cả chứng KINH hoặc hay KHÓC.
Mùa Xuân mà thích vào bộ phận của mùa Đông thời không những bịnh không khỏi, mà lại khiến bịnh nhân sinh ra trướng-​mãn mõi mệt, tà khí bám chặc vào trong Tạng, bịnh nhân cứ lẳng lặng không muốn nói thành tiếng.
*. Mùa Hạ mà thích vào bộ phận của mùa Xuân thời không những bịnh không khỏi, mà lại khiến bịnh nhân sinh ra rã-​rời mõi mệt.
Mùa Hạ mà thích vào bộ phận mùa Thu thời không những bịnh không khỏi, lại khiến bịnh nhân trong lòng như muốn không nói gì , và cứ sợ sệt như người sắp bị bắt.
Mùa Hạ mà thích vào bộ phận của mùa Đông thời không những bịnh không khỏi mà lại khiến bịnh nhân thiếu khí, thường hay gắt gỏng khó chịu.
*. Mùa Thu mà thích vào bộ phận của mùa Xuân không những bịnh không khỏi lại khiến cho bịnh nhân cứ thắc mắc như định làm việc gì, đến lúc đứng lên thời lại quên.
Mùa Thu mà lại thích vào bộ phận của mùa Hạ không những bịnh không khỏi lại khiến cho bịnh nhân chỉ muốn nằm bày-​bạy, mà lại hay mơ mộng.
Mùa Thu mà lại thích vào bộ phận của mùa Đông. Không những bịnh không khỏi, lại khiến cho bịnh nhân thường rờn rợn ghê rét.
*. Mùa Đông mà lại thích vào bộ phận của mùa Xuân, không những bịnh không khỏi, khiến cho bịnh nhân chỉ muốn mằm ; nhưng dù nằm mà vẫn không sao chợp được mắt.
Mùa Đông mà thích vào bộ phận của mùa Hạ, không những bịnh không khỏi, khiến cho bịnh nhân khí tiết ra quá nhiều bên ngoài, gây thành chứng TÝ.
Mùa Đông mà thích vào bộ phận của mùa Thu, không những bịnh không khỏi, lại khiến cho bịnh nhân sinh ra chứng khát.
Phàm thích vào HUNG hay PHÚC, cần nhất là phải tránh 5 tạng.
-. Nếu trúng vào TÂM, thời chỉ trong một ngày một đêm sẽ chết.
-. Nếu trúng vào TỲ, thời 5 ngày sẽ chết;
-. Nếu trúng vào THẬN, thời 7 ngày sẽ chết;
-. Nếu trúng vào PHẾ, thời 5 ngày sẽ chết;
Nếu trúng vào CÁCH, cũng là một loại thương trúng, bịnh dù có khỏi, nhưng qua một năm tất cũng phải chết.
THÍCH mà biết tránh 5 tạng, tức là biết sự thuận nghịch đó. Nói về thuận, tức là chỉ vào cái nơi mà CÁCH với TỲ, THẬN giáp với nhau. Nhưng kẻ không biết, thời trái lại thế.
Thích vào HUNG-​PHÚC, phải lấy miếng vải mỏng phủ lên cái huyệt của mình định thích đã, rồi mới dùng châm từ trên vải mà thích xuống. Thích một lần không khỏi, lại thích thêm lần mữa. Lúc thích cầm châm phải vững vàng ngay ngắn. Thích vào chỗ sưng nên làm lung lay mũi kim ; nếu thích vào kinh mạch, thời đừng lung lay mũi kim. Đó là nói về phương pháp thích.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Chứng trạng lúc cuối cùng của 12 kinh mạch như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch của kinh THÁI-​DƯƠNG, tới lúc cuối cùng, các khớp xương đều rã rời, con ngươi mắt trông lệch sang một bên. Trong vòng một ngày rưỡi thời chết. Hể lúc mào thấy mặt đương tái xanh, bổng chuyển ra trắng bợt, tức là lúc thần chết đã đến.
*. Mạch của kinh THIẾU-​ÂM, tới lúc cuối cùng sắc mặt đen sạm, răng khô và bợn bẩn, bụng trướng lên và vít lấp cả trên dưới không thông, đó là thời kỳ chết.
*. Mạch ở kinh DƯƠNG-​MINH, tới lúc cuối cùng : miệng và vai thường méo lại hoặc vại đi, hay sợ, nói càn ; mạch ở tay và chân bật lên rất mạnh, ngoài da thịt không biết đau ngứa, đó là lúc sắp chết.
*. Mạch ở kinh THÁI-​ÂM, tới lúc cuối cùng, bụng trướng bế, khó thở, hay ợ, hay oẹ ; ọe thời khí nghịch. Khí nghịch thời mặt đỏ lên, khí không nghịch thời khí huyết không thông, không thông thời sinh ra mặt đen sạm, bì mao khô đét đi… đó là thời kỳ chết.
*. Mạch của kinh QUYẾT-​ÂM, tới lúc cuối cùng, bịnh nhân nóng ruột, cổ khô, hay đi tiểu, trong lòng buồn bực. Qúa lắm thời lưỡi thụt, thận nang co rúm lại… đó là thời kỳ chết.
Trở lên là BẠI CHỨNG của 12 kinh.,.
-- 0o0 --
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 17
MẠCH YẾU TINH VI LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Phương pháp chẩn mạch như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Phương pháp chẩn mạch, nên chọn vào lúc sáng sớm. Lúc đó âm-​khí chưa động, Dương-​khí chưa tán, uống ăn chưa dùng, kinh mạch chưa thịnh, lạc mạch điều hòa, khí huyết chưa loạn…. lúc đó mới có thể chẩn mạch của người có bịnh.
“THIẾT-​MẠCH” để nhận xét âm dương ở 5 Tạng, động tĩnh thế nào ; “QUAN-​SẮC” để nhận xem tình thế của bịnh nhân thế nào (thịnh suy)…. 5 tạng hữu dư hay bất túc, 6 phủ cường kiện hay suy nhược… hợp cả lại để dùng xem xét và quyết tử sinh. (1)
(1)-. Ở đây nói về phương pháp “CHẨN” là hợp cả VỌNG, VĂN và VẤN chứ không chuyên một THIẾT.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Mạch là một cái kho của huyết. Mạch TRƯỜNG thời khí vượng, mạch ĐOÃN thời khí thịnh, mạch SẮC thời Tâm phiền, mạch ĐẠI thời bịnh tiến.
Mạch ở Thốn-​khẩu thịnh thời khí bốc lên ; mạch ở Tích-​trung thịnh thời khí trụt xuống (thành bịnh TRƯỚNG) ; mạch ĐẠI thời khí suy ; mạch TẾ thời khí ít ; mạch SẮC thời Tâm thống.
Mạch cuồn cuộn đến luôn như suối nước chảy đó là bịnh tăng, tiến mà sắp tới lúc tệ hại. Mạch đi ln lườn lượt thẳng như dây cung, tức là cái chứng triệu của sự chết.
Đây là nói cái đại khái để phân biệt sự thịnh suy của âm dương, khí huyết.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Năm sắc hiện ra ngoài mặt, đó là tinh hoa của khí.
_ sắc XÍCH muốn được như lụa trắng bọc Chu-​sa, không muốn như cục son.
_ sắc TRẮNG muốn được như màu lông ngổng, không muốn như hạt muối.
_ sắc XANH muốn được như màu ngọc bích, không muốn như sắc chàm.
_ sắc ĐEN muốn được như màu sơn then, không muốn như lọ nồi.
Nếu đem cái tinh hoa của 5 sắc hiện cả ra ngoài, thời không thể thọ được.
Cái khí tinh-​minh của 5 tạng, cốt nhờ nó để nhận biết muôn vật, chia rõ đen trắng, nhận rõ ngắn dài. Nếu lại coi dài là ngắn, coi trắng như đen… đó tức là cái chứng triệu khí tinh minh của 5 tạng đã suy kiệt.
Năm Tạng là những cơ quan ẩn khuất ở bên trong, nhưng tiếng nói và sắc mặt, đôi phen vẫn phát hiện ra bên ngoài.
_ Phàm người Trung-​thịnh, tàng mãn, do khí thắng mà lại bị thương về sự “khủng” (thuộc Thận), nghe tiếng nói văng vẳng như người ở trong nhà nói “vọng” ra ; đó là Trung-​khí bị Thấp-​khí xâm lấn.
_ Nếu giọng nói nhè nhẹ, nói vài tiếng cách quảng, lúc lâu rồi mới lại nói tiếp… Đó là mắc chứng ĐOẠT-​KHÍ (khí bị hao mất).
_ Bịnh nhân tung bỏ chăn, lột bỏ áo, nói năng càn bậy, không kể gì người thân hay sơ... đó là thần-​minh bị rối loạn (tức thần khí của 5 tạng).
_ Đại tiện bất cấm, là do Tỳ-​vị đã bại. Tiểu tiện bất cấm là do Bàng-​quang đã suy. Hai cơ quan đó giữ được lại thời sống, không giữ lại được thời chết.
_ Con người cường kiện là nhờ ở 5 tạng. Đầu là một cái kho để chứa Thần-​khí của 5 tạng. Nếu bịnh nhân đầu lệch đi, mắt lõm vào, đó là tinh thần sắp bị mất.
_ Vai với lưng là Phủ của bộ phận Hung (lồng ngực, ức). Nếu bịnh nhân lưng gù xuống, vai lệch đi, đó là bộ phận Hung đã bị hỏng.
_ YÊU (chỗ ngang thắt lưng) nó là Phủ của Thận. Nếu bịnh nhân không uốn đi lật lại được, đó là Thận sắp bị hỏng.
_ Đầu gối là Phủ của gân (cân). Nếu bịnh nhân không co vào duỗi ra được, lúc đi thời cứ phải khom khom…. Đó là gân sắp bị bại.
_ Cốt (xương) nó là Phủ của Tủy. Nếu bịnh nhân không đứng lâu được, hoặc đi thời lảo đảo… đó là xương sắp bị bại.
Vậy con người được Phủ-​khí mạnh thời sống, trái lại nếu mất thời chết.
Kỳ-​Bá nói :
-. Tạng thuộc âm, Phủ thuộc dương ; thu-​đông thuộc âm, xuân-​hạ thuộc dương. Thận chủ về cái khí bế tàng của mùa Đông, mà lại Trung-​thịnh Tàng-​mãn, vậy đó là cái tinh của Thận-​tạng hữu dư ; Bàng-​quang chủ về cái khí Hạ-​thịnh của Thái-​dương, mà lại tiểu tiện bất cấm, đó là do cái khí của bàng quang bất túc. Gọi là TIÊU. Đó là những chứng trạng với 4 mùa.
Nếu nên thái quá mà lại bất túc, gọi là “TINH” tức là cái tinh của Thận tạng bị tiết ra ngoài. Nếu bất túc mà lại hữu dư, gọi là “TIÊU” tức là cái thủy của Bàng-​quang ; lại chứa lại ở bên trong. Những hiện tượng đó là do Tạng, Phủ, Âm, Dương không tương ứng với nhau, gọi đó là chứng QUAN-​CÁCH. (1)
(1)-. MẠC-​TỬ-​TẤN hỏi : “trái với 4 mùa, mà ở đây chỉ nói đến 2 mùa Đông, Hạ ; bịnh QUAN-​CÁCH, mà đây chỉ nói đến không tiểu tiện… là vì sao ?
Đáp : Nhât với Nguyệt cùng vận hành, hết rét thời nóng. Cho nên về dưới đây, có câu rằng : “ cái ấm của mùa Xuân kia, sẽ làm cái nóng của mùa Hạ ; cái phẫn của mùa Thu kia sẽ làm cái nộ của mùa Đông…” . Dù phải có 4 mùa mới thành được 1 năm, nhưng chẳng qua chỉ do 2 cái nóng rét thay đổi mà thôi. Vậy hà tất phải nói cả, mới gọi là đủ hay sao ?
Án : QUAN-​CÁCH không chuyên gì là bịnh không tiểu tiện, mà thổ-​nghịch cũng có thể gọi là Quan-​cách. Xem dưới đây sẽ rõ.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Mạch động ứng về 4 mùa thế nào ? Làm sao biết được bịnh ở nơi đâu ? Làm sao biết được bịnh tiến thế nào ? Làm sao biết được bịnh bồng ở bên trong ? Làm sao biết được bịnh bồng ở bên ngoài ? Xin cho biết rõ 5 điều đó !!
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Ngoài muôn vật, trong lục hợp, sự biến của trời đất lẽ ứng của âm dương. Cái ấm của mùa Xuân sẽ là cái nóng của mùa Hạ. Cái phẩn của mùa Thu sẽ gây nên cái nộ của mùa Đông. Cái sự “động” của 4 mùa, mạch sẽ theo đó mà lên xuống.
Ứng với mùa Xuân, tượng mạch như “QUI” (thước tròn). Ứng với mùa Hạ, tượng mạch như “CỦ” (thước vuông) ; ứng với mùa Thu, tượng mạch như “HÀNH” (cán cân) ; ứng với mùa Đông, tượng mạch như “QUYỀN” (quả cân).
Ấy cho nên, sau Đông-​chí 45 ngày, dương khí hơi lên, âm khí hơi xuống ; sau Hạ-​chí 45 ngày, âm khí hơi lên, dương khí hơi xuống. Âm dương lên xuống đều có thời giờ nhất định, mạch cũng theo đó làm kỳ hạn. Nếu trái, không đúng với kỳ hạn, biết là trong mạch có sự phân rẽ sẽ biết được thời kỳ chết.
Như sau Đông-​chí 45 ngày, dương khí hơi lên ; sau Hạ-​chí 45 ngày, âm khí hơi lên. Vậy mà XÍCH-​MẠCH bên trong không tới “QUAN” : Đó là Âm tuyệt.
Sau Hạ-​chí 45 ngày, dương khí hơi xuống ; sau Đông-​chí 45 ngày, âm khí hơi xuống. vậy mà THỐN, mạch bên dưới không tới QUAN : đó là Dương tuyệt.
Đó là âm dương không cùng gi­ao hợp, mà lại phân rẽ. Trái với cái khí của 4 mùa. Nên có thể biết rõ được thời kỳ chết.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Mạch rất vi diệu, xét kỹ mới hiểu. Mạch có mối giềng, trước từ âm dương, mạch có đường kinh (phép thường) ; do 5 hành sinh, 5 hành sinh ra, hợp với 4 mùa.
Dùng BỔ hay TẢ , đều phải theo đúng với lẽ âm dương của trời đất. Theo đúng được lẽ âm dương, sẽ biết rõ được sống hay chết.
Vì thế nên, tiếng của con người, hợp với 5 âm, sắc hợp với 5 hành, mạch hợp với âm dương.
Vậy nên người : âm thịnh thời mộng lội sông nước mà sợ hãi ; dương thịnh thời mộng lửa cháy bốc cao to ; âm dương đều thịnh thời mộng cũng giết hại lẫn nhau.
_. Thượng thịnh thời mộng bay ; hạ thịnh thời mộng ngả (từ trên cao lăn xuống).
_. No quá thời mộng cho ; đói quá thời mộng lấy.
_. Can khí thịnh thời mộng nộ ; Phế khí thịnh thời mộng khóc.
_. Đoãn-​trùng (sán sơ mít) nhiều, thời mộng hội họp đông người ; Trường-​trùng (giun, sán) nhiều thời mộng đánh nhau xây xát.
Đoạn này nói về âm dương 5 hành của trời đất hợp với âm dương tạng phủ của con ngừơi. Mộng là do “hồn-​phách, thần-​chí” tán mạn du hành. Nhưng đối với âm dương tạng phủ của con người vẫn có liên hệ mật thiết.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Phàm chẩn mạch, phải giữ tâm-​chí cho hư-​tĩnh, mới có thể nghe xét được tinh-​vi.
Về mùa Xuân, mạch PHÙ, lờ đờ như cá lượn trên mặt sóng ; về mùa Hạ, mạch hiện ngay trên cơ phu (da) “chứa chan” như muôn vật có thừa ; về mùa Thu, mạch hiện ở dưới cơ phu, như loài sâu sắp ẩn mấp vào trong hang kín ; về mùa Đông, án nặng tay xuống gần xương, mạch kín đáo như loài sâu đã ẩn vào hang, người quân tử phải giữ gìn, không nên hoang tàng.
Cho nên, người chẩn mạch, phải biết sự hư thực của âm dương tạng phủ ở bên trong, lại biết khí tiết 4 mùa và âm dương ở bên ngoài nó tuần hoàn như thế nào… 6 điều trên đó là cái ĐẠI-​PHÁP của phép chẩn mạch.
Từ đây trở lên là KỲ-​BÁ trả lời câu hỏi “mạch động ứng về 4 mùa….” Của Hoàng-​Đế.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
*. TÂM-​mạch bực lên tay kiên (tức là có lực) mà TRƯỜNG : sẽ mắc bịnh THIỆT-​QUYÊN (lưỡi cong lên, khác với rụt) không nói được ; nếu NHUYỄN (mềm) mà TÁN (mạch bất túc, khác với trên là thái quá) sẽ sinh chứng TIÊU-​KHÁT, trong vòng 10 ngày sẽ khỏi.
*. PHẾ-​mạch bực lên tay, KIÊN mà TRƯỜNG, sẽ mắc bịnh THÓA-​HUYẾT (nhổ ra máu) ; nếu NHUYỄN mà TÁN, mồ hôi sẽ chảy ra đầm đìa, Phế khí suy yếu.
*. CAN-​mạch bực lên tay, KIÊN mà TRƯỜNG, sắc mặt không tái xanh sẽ đau như bị ngả, vì có huyết tích ở dưới Hiếp (lườn), gây nên chứng SUYỄN-​NGHỊCH. Nếu NHUYỄN mà TÁN, sắc mặt lại bóng loáng, đó là chứng GIẬT-​ẨM (uống nước nhiều, ràn ra). Chứng đó gây nên bởi khi khát uống nhiều nước, nước chảy trái đường, ràn ra bì phu.
*. VỊ-​mạch bực lên tay, KIÊN mà TRƯỜNG, sắc mặt đỏ bừng, sẽ mắc bịnh hai đùi đau như gãy. Nếu NHUYỄN mà TÁN sẽ là chứng THỰC-​TÝ (tức đau dạ dày).
*. TỲ-​mạch bực lên tay, KIÊN mà TRƯỜNG, sắc mặt vàng úa, sẽ ắc bịnh THIẾU KHÍ (ít hơi, động làm là thở, mà hơi thở ngắn) ; nếu NHUYỄN mà TÁN, sắc mặt không bóng, sẽ là chứng TÚC-​HÀNH-​THŨNG (từ đầu gối trở xuống sưng to như phù).
*. THẬN-​mạch bực lên tay, KIÊN mà TRƯỜNG, sắc mặt vàng kiêm cả đỏ, sẽ mắc bịnh lưng đau như gãy ; nếu NHUYỄN mà TÁN, thì sẽ mắc bịnh THIẾU HUYẾT (ít máu) khó lòng hồi phục.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Chẩn được Tâm-​mạch mà “CẤP” như thế là bịnh gì ? và bịnh hình như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Bịnh đó tên TÂM-​SÁN, dưới thiếu-​phúc sẽ có vật hữu hình…
--. Sao biết vậy ?
--. Tâm thuộc mẫu-​tạng (giống đực), Tiểu-​trường là chức Sứ, cho nên biết dưới Thiếu-​phúc có vật hữu hình. (1)
(1)-. Đoạn này nói về : chẩn được mạch ở tạng mà bịnh lại ở phủ. Bởi tạng phủ , kinh lạc cùng liên, âm dương cùng ứng. nên mạch hiện ở tạng TÂM, mà bịnh thành ở Phủ (Tiểu-​trường).
Kinh nói : các mạch “CẤP” thuộc về Hàn ; Tâm là cơ quan Quân-​chủ, không thể “thụ tà” nên bịnh hình ở Thiếu-​phúc.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Chẩn được Vị-​mạch, bịnh tình như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Chẩn Vị mạch, nếu mạch THỰC sẽ là bịnh TRƯỚNG, nếu mạch HƯ, sẽ là bịnh KIỆT.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Sau khi bịnh đã thành, lại còn biến ra chứng gì ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Nếu do Phong gây nên bịnh, sẽ biến thành chứng Hàn-​nhiệt ; nếu do ĐẢN (thấp nhiệt) gây nên bịnh, sẽ biến thành chứng TIÊU-​TRUNG ; nếu do Quyết (tay chân giá lạnh) gây nên bịnh, sẽ biến thành các chứng ở trên đầu, lâu thời thành chứng SÔN-​TIẾT (ăn vào lại đi tả). Trong huyết mạch bị Phong lọt vào, sẽ thành chứng LỆ (phong vào huyết mạch biến thành trùng, hiện ra các chứng HỦI LỞ, CÙI). Sự biến hóa của bịnh rất nhiều, nói không kể xiết.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Các chứng MỤN sưng. Co gân, đau xương…. Nguyên nhân bởi đâu ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Những chứng sưng đó bởi Hàn-​khí và sự biến của Bát-​phong (gió của 8 phương).
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Nên điều trị thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Đó là chứng bịnh về thời khí của 4 mùa, nên lấy cái “sở thắng” để trị nó.
(1)-. Như Hàn phạm vào bên trong, thời dùng những vị CAM-​NHIỆT để điều trị.
--. Lại như phương Đông sinh ra phong. Phong sinh Mộc, Mộc sinh Toan…. Tân (vị cay) sẽ thắng được Toan (vị chua)…
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Người đã có sẳn bịnh cũ làm thương tổn đến sắc mạch của 5 tạng…. làm thế nào có thể biết được là bịnh đã lâu và bịnh đã mắc ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Xét ở mạch thấy “TIÊU” (hư) mà sắc mặt không biến khác… như thế là Tân bịnh.
Xét ở mạch và 5 sắc đều biến khác… như thế là Cửu bịnh.
Xét ở mạch và 5 sắc đều không biếnkhác… như thế là Tân bịnh.
Can với Thận cùng hiện ra ; Sắc mặt tái xanh lại đỏ… đó là gây nên bởi sự Uỷ-​thương (như uất ức quá độ), nhưng chưa thấy chứng gì kiến huyết (thấy có máu như gãy, đứt, hoặc khạc nhổ …) . Nếu lại đã kiến huyết, sẽ là có cả chứng Thấp…
Hai bên XÍCH-​BỘ thuộc về Qúi-​hiếp (dưới sườn cụt). Xích ngoại để nghe mạch của Thận, xích nội để nghe mạch của Phúc.
Từ tả-​xích mà dẫn lên tả-​quan, “ngoại” để nghe mạch của Can ; “nội” để nghe mạch của CÁCH.
Từ hữu-​xích dẫn lên hữu-​quan, “ngoại” để nghe mạch của Vị ; “nội” để nghe mạch của TỲ.
Từ hữu-​quan dẫn lên hữu-​thốn, “ngoại” để nghe mạch của Phế ; “nội” để nghe mạch ở Hung-​bộ.
Từ tả-​quan dẫn lên tả-​thốn, “ngoại” để nghe mạch của Tâm ; “nội” để nghe mạch của Chiên-​trung.
Mạch ở “TIỀN” để nghe các bịnh thuộc Tiền ; mạch ở “HẬU” để nghe các bịnh thuộc về Hậu.
Mạch ở con người : tay bên TẢ thuộc về mùa Xuân-​Hạ, thuộc phương Đông, phương Nam, là tiền, là ngoại. Tay bên HỮU, thuộc mùa Thu-​Đông, thuộc phương Tây, phương Bắc, là hậu, là nội. Tả THỐN, tức là NHÂN-​NGH­INH, gọi là tiền…. hữu THỐN, tức là KHÍ-​KHẨU, tức là hậu…
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
THƯỢNG-​CÁNH-​THƯỢNG (từ Xích, Quan miết tay lên tới Ngư-​tế) để xét những chứng trạng ở HẦU (cuống họng) và trong HUNG.
HẠ-​CÁNH-​HẠ (từ Thốn, Quan miết tay xuôi vào Xích-​trạch) để xét những chứng trạng từ Thiếu-​phúc, yêu, cổ (vế), tất (đầu gối), và bọng chân.
Mạch thế thô đại, là âm bất-​túc, dương hữu dư sẽ gây nên chứng NHIỆT-​TRUNG.
Mạch lúc lại nhanh, lúc đi chậm, trên thực dưới hư.. sẽ gây nên chứng QUYẾT và bịnh ở Đầu (điên tật). Nếu lúc lại chậm, lúc đi nhanh, trên hư dưới thực : thuộc về bịnh ÁC PHONG.
Phàm trúng phải ÁC-​PHONG, do dương khí phải chịu (dương khí bị tà) thời chính khí hư suy, cho nên mạch lúc lại chậm và trên hư ; tà khí hãm vào trong, cho nên mạch lúc đi nhanh và dưới thực.
Có khi thấy mạch hiện ra đều TRẦM-​TẾ và SÁC… đó là chứng Hàn-​nhiệt. Nếu PHÙ mà lại TÁN… đó là chứng choáng váng đi đứng không vững.
Các mạch PHÙ mà bịnh nhân không Táo (nóng nảy) đều thuộc về dương, là bịnh Nhiệt. Nếu bịnh nhân lại có vẻ Táo, đều thuộc về Thủ Tam-​dương.
Các mạch TẾ mà lại TRẦM, đều thuộc về âm-​phận, sẽ là chứng đau ở xương ; nên bịnh nhân lại có vẻ tĩnh… là thuộc về Túc Tam-​âm.
Mạch thấy SÁC và ĐỘNG, thỉnh thoảng lại có một ĐẠI, đó là bịnh thuộc dương mạch. Bịnh nhân sẽ Hạ-​tiết hoặc tiện ra Nùng-​huyết (mủ và máu).
Phàm án mạch người có bịnh, thấy mạch SẮC là dương khí hữu dư ; thấy mạch HOẠT là âm khí hữu dư. Dương khí hữu dư, sẽ là chứng mình nóng không có hãn. Âm khí hữu dư, sẽ là chứng nhiều hãn mà mình lạnh (hàn). Nếu âm dương đều hữu dư, sẽ là không có hãn mà mình hàn.
Án vào mạch, đẩy cho luồng mạch ra “ngoại”, mà mạch vẫn hướng vào “nội” không ra “ngoại”. đó là vì chứng TÍCH ở Tâm-​phúc.
Đẩy cho luồng mạch vào “nội”, mà mạch vẫn hướng ra “ngoại” không vào “nội”, đó là vì mình có chứng NHIỆT.
Đẩy cho luồng mạch lên “trên”, mạch vẩn cứ ở “trên” không xuống “dưới”, đó là vì có chứng lạnh ở trên YÊU và TÚC.
Đẩy cho luồng mạch hướng xuống “dưới”, mạch vẩn cứ ở “dứơi” không lên “trên”, đó là vì có chứng đau ở ĐẦU và CỔ.
Án mạnh tay xuống tới giáp xương, mà mạch khí ít… đó là vì mắc chứng YÊU, TÍCH (xương sống) đau, và ở mình kiêm cả chứng TÊ (bịnh thuộc về âm).
-- 0o0 --
CHƯƠNG 10
CHƯƠNG 18
BÌNH NHÂN KHÍ TƯỢNG LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Mạch của bình nhân (người vô bịnh) như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Người ta một lần HÔ (thở ra) mạch động tới 2 lần, một lần HẤP (hút vào) mạch cũng động tới 2 lần. Nhận sự hô-​hấp để định hơi thở và xen (nhuận) với lúc ngừng thở, mạch động tới 5 lần như thế là bình nhân. (1)
(1)-. Cứ lẻ là một lần HÔ 2 lần động, một lần HẤP 2 lần động, cộng lại chỉ có 4 lần. Nhưng còn cái lúc ngừng lại hô hấp nọ tiếp hô hấp kia, trong khoảng xen nhau đó, cũng lại có 1 lần động. Một động đó không ở vào hô hấp chính, nên gọi là “nhuận” và tính là 5 động. Chữ “ĐỘNG” cũng gọi là “CHÍ”.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Nên lấy người vô bịnh để chẩn mạch người có bịnh. Nhưng lúc chẩn phải giữ hơi thở của mình cho điều hòa, mới biết được mạch “động” của người kia đúng hay không đúng.
Phàm người một HÔ mạch động 3 lần, một HẤP mạch động 3 lần… đó là TÁO-​CẤP (tức thái quá) ; ở Xích-​bộ có nhiệt là bịnh ÔN, nếu Xích-​bộ không nhiệt, mạch lại có vẻ HOẠT, đó là bịnh PHONG ; nếu lại có vẻ SẮC đó là bịnh TÝ (bịnh thuộc âm).
Phàm người một HÔ mạch động 4 lần, một HẤP mạch động 4 lần trở lên, đó là TỬ-​MẠCH ; nếu mạch TUYỆT không “chí” cũng CHẾT ; mạch lúc thưa lúc SÁC cũng chết.
Phàm bình nhân, khí phát sinh từ VỊ ; Vị là thường khí của bình nhân. Người không có vị-​khí gọi là “NGHỊCH”. Nghịch cũng chết.
*. Mạch án về mùa Xuân có vị-​khí mà mạch hơi HUYỀN là bình.
Huyền nhiều, vị khí ít, đó là bịnh ở CAN. Chỉ Huyền, không có vị khí : sẽ chết. – Có vị khí mà mạch thế có vẻ MAO, tới mùa Thu sẽ phát bịnh. Nếu MAO nhiều sẽ phát ngay.
Chân khí của tạng phân tán khắp ở CAN, tức là những khí ở Cân-​mạc (gân và da màng) bao bọc ở bên ngoài CAN.(1)
(1)-. Về câu này ý nói : Can-​tạng vốn có chân-​khí nhưng chỉ về mùa Xuân mới phát hiện ra ở CAN. Can có chứa cái khí của Cân, mạc, cho nên chủ về Mộc. Mộc chủ về mùa Xuân. Can chủ về Cân, nên cân bịnh phát hiện về mùa Xuân, mà mạch HUYỀN.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
*. Mạch án về mùa Hạ, có vị khí mà hơi “CÂU” (mạch tượng của mùa Hạ) là bình. Nếu CÂU nhiều, vị khí ít : TÂM bịnh. Chỉ CÂU mà không có vị khí : sẽ chết.
Có vị khí mà mạch thế có vẻ “THẠCH” : tới mùa Đông sẽ phát bịnh ; nếu “THẠCH” nhiều sẽ phát ngay.
Chân khí của tạng thông lên TÂM, vì Tâm tàng cái khí huyết của mạch.
*. Mạch án về mùa Trưởng-​Hạ, có vị khí mà hơi Nhuyễn-​nhược là bình. Nếu “NHƯỢC” nhiều, vị khí ít : TỲ bịnh.—Mạch thể chỉ có “ĐẠI” mà không có vị khí : sẽ chết.—Nhuyễn nhược mà kiêm có vẻ THẠCH : tới mùa Đông sẽ phát bịnh ; nếu NHƯỢC nhiều : sẽ phát bịnh ngay.
Chân khí ở tạng thấm nhuần ở TỲ, vì Tỳ tàng cái khí của cơ, nhục.
*. Mạch án về mùa Thu, có vị khí mà hơi MAO là bình. Nếu MAO nhiều, vị khí ít là Phế bịnh ; nếu chỉ thấy MAO không có vị khí : sẽ chết.—mạch MAO mà lại kiêm HUYỀN, tới mùa Xuân sẽ phát bịnh, nếu HUYỀN nhiều sẽ phát bịnh ngay.
Chân khí của tạng cao ở tận PHẾ để dẫn hành VINH-​VỆ và âm dương.
*. Mạch án về mùa Đông, có vị khí mà hơi THẠCH là bình. Nếu THẠCH nhiều, vị khí ít là THẬN bịnh. Nếu chỉ THẠCH, không có vị khí : sẽ chết. THẠCH mà lại kiêm cả CÂU : sẽ phát bịnh về mùa Hạ. Nếu CÂU nhiều sẽ phát bịnh ngay.
Chân khí của tạng thấp ở THẬN. Thận tàng cái khí của cốt tủy.
Đại-​lạc của Vị tên là HƯ-​LÝ, nó suốt lên Cách, chằng ngang vào Phế, vòng xuống phía dưới tả nhũ (vú bên trái), lúc nó động có thể “ứng-​y”, (mặc áo sát vào mình, khi mạch động, chạm lên áo : hình dung sự động mạch). Mạch đó để nghe TÔNG-​KHÍ (tức Vị-​khí).
Nếu SUYỄN nhiều (Phế), mà mạch ở Hư-​lý thường bị tuyệt : đó là bịnh tại CHIÊN-​TRUNG và Hoành-​lạc bị tích trệ. Nếu tuyệt hẳn, không “chí” sẽ chết. Nếu động quá đến nổi ứng-​y, đó là Tông khí muốn tiết ra ngoài (tức là mạch chết).
Muốn biết mạch ở Thốn-​khẩu thái quá với bất cập. Nếu mạch ở thốn-​khẩu chỉ “ĐOẢN” đúng vào đầu ngón tay, đó thuộc về bịnh ĐẦU-​THỐNG. Mạch ở Thốn-​khẩu đúng vào ngón tay mà TRƯỜNG : đó thuộc về bịnh đau ở xương ống chân. Mạch ở thốn khẩu đúng vào ngón tay mà bựt mạnh dồn lên : đó thuộc về đau ở vai và lưng. Mạch ở thốn khẩu TRẦM mà KIÊN, tức là bịnh ở bộ phận trong. Mạch thốn khẩu PHÙ mà THỊNH : bịnh ở bộ phận ngoài. Mạch thốn khẩu TRẦM mà NHƯỢC : thuộc về bịnh Hàn, nhiệt, và SÁN, GIẢ, đau ở Thiếu phúc. Mạch ở thốn khẩu TRẦM mà HOÀNH : thuộc về dưới Hiếp có tích và trong bụng có vật tích nằm ngang mà đau. Mạch thốn khẩu TRẦM mà lại có suyễn (thở gấp, thở hổn hển) : thuộc về chứng Hàn nhiệt (sốt rét, sốt nóng).
Mạch thịnh, HOẠT mà KIÊN : là bịnh ở bộ phận ngoại.
Mạch tiểu, THỰC mà KIÊN : là bịnh ở bộ phận nội.
Mạch tiểu, NHƯỢC mà SẮC : là cữu bịnh.
Mạch phù, HOẠT mà TẬT : là tân bịnh.
Mạch CẤP là có chứng SÁN, GIẢ, đau ở Thiếu-​phúc.
Mạch HOẠT là Phong ; mạch SẮC là Tý ; mạch HOÃN mà HOẠT là chứng Nhiệt-​trung ; mạch THỊNH mà KHẨN là chứng Trướng.
Mạch thuận theo âm dương, bịnh dể khỏi ; mạch trái ngược âm dương, bịnh khó khỏi.
Mạch thuận với sinh khí của 4 mùa, bịnh dể khỏi ; mạch trái với sinh khí của 4 mùa mà lại “không gián tàng” bịnh khó khỏi. (1)
(1)-. GIÁN : là xen, cách. “GIÁN TÀNG” là do tương sinh mà truyền cho nhau ; “không gián tàng” là lo tương khắc mà truyền cho nhau.
Tỉ như :cái tà ngoại dâm bắt đầu phạm vào bì mao, thời bên trong hợp vào với Phế ; Phế muốn truyền cho Can mà Thận xen vào ; Thận muốn truyền cho Tâm mà Can xen vào ; Can muốn truyền cho Tỳ mà Tâm xen vào ; Tâm muốn truyền cho Thận, mà Phế xen vào v.v…..
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Cánh tay có nhiều mạch máu xanh, gọi là THOÁT-​HUYẾT. Mạch ở Xích-​bộ HOÃN mà SẮC, gọi là GIẢI-​NỌA (bịnh tại Tỳ). Lúc nằm yên mà mạch thịnh, cũng gọi là THOÁT-​HUYẾT. Xích-​bộ SẮC mà mạch lại HOẠT : là chứng nhiều mồ hôi. Xích bộ hàn mà mạch lại TẾ, sẽ là chứng HẬU-​TIẾT (ăn xong đi tả ngay). Mạch xích bộ thô và thường nóng : thuộc về chứng Nhiệt-​trung.
Phàm thấy mạch ở CỔ động lên bật bật, thở suyễn mà khái : chứng thuộc về Thủy ; mí mắt hơi sưng thũng phồng lên như ngọa-​tàm (con tằm nằm) : chứng thuộc về Thủy. Nước tiểu vàng mà đỏ, ưa nằm : là chứng HOÀNG-​ĐẢN. Ăn rồi mà bụng vẩn như đói : là chứng VỊ-​ĐẢN. Mặt sưng phù ra là chứng PHONG. Bọng chân sưng nặng là chứng Thủy. Lòng trắng mắt vàng… cũng là chứng HOÀNG-​ĐẢN.
Đàn bà : mạch thuộc kinh Thái-​âm động nhiều là có thai.(1)
(1)-. Chẩn ở Xích-​bộ của đàn bà, nếu Thận-​mạch ở tay TRÁI động nhiều là có thai con trai.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Mạch có khi hoặc thịnh hoặc thuận với 4 mùa. Dù chưa hiện mạch của bản-​tạng, mà mạch lại SẤU (giống như TẾ) ; Thu-​đông mà mạch lại PHÙ-​ĐẠI…. như thế là ngịch với 4 mùa.
Chứng PHONG-​NHIỆT mà mạch lại TĨNH (nên PHÙ-​ĐỘNG) ; chứngTIẾT và THOÁT-​HUYẾT mà mạch lại THỰC (nên HƯ-​TÁN) ; bịnh ở trong mà mạch lại HƯ (nên TRẦM THỰC) ; bịnh ở ngoài mà mạch lại KIÊN SẮC (nên THĂNG PHÙ)….. đều khó chữa vì trái với 4 mùa.
Con người lấy thủy cốc làm gốc, nếu tuyệt thủy cốc, thời tất phải chết. Mạch không có vị-​khí (tức khí của thủy cốc) cũng chết.
Phàm gọi là không có vị khí là chỉ thấy có chính mạch của chân tạng mà không có vẻ hòa hoãn là vị-​khí xen vào. Không những thế, mà Can không HUYỀN, Thận không THẠCH v.v…. cũng là không có vị-​khí.
Mạch ở kinh Thái-​dương đến : HỒNG ĐẠI mà TRƯỜNG.
Mạch ở kinh Thiếu-​dương đến : lúc SÁC, lúc SƠ, lúc ĐOẢN, lúc TRƯỜNG.
Mạch ở kinh Dương-​minh đến : PHÙ ĐẠI mà ĐOẢN.
*. Tâm vô bịnh, mạch hiện ra : lườn lượt không dứt như chuổi ngọc, như dây chuyền… thuộc về mùa Hạ, lấy Vị khí làm gốc.
Nếu có bịnh, mạch khớp khớp chấp nổi, có lúc hơi cong ; nếu trước cong mà sau không động, như cầm lưỡi câu …. Như thế là Tâm chết.
*. PHẾ vô bịnh, mạch hiện ra êm đềm như chiếc lá rơi… thuộc mùa Thu, lấy Vị khí làm gốc.
Nếu có bịnh, không lên không xuống, như phẩy lông gà… nếu lại như vật nổi lềnh bềnh, không gốc không rễ, như gió thổi chiếc lông, trống không tán loạn…. như thế là PHẾ chết.
*. CAN vô bịnh, mạch hiện ra mềm mại dịu dàng như vuốt ngọn Tràng (tre dài dùng làm tràng, trên đầu nhỏ và lướt mềm) ; thuộc mùa Xuân, lấy Vị khí làm gốc.
Nếu có bịnh : đầy đặc mà HOẠT, như nắm trường can (tức là tràng, nhưng đây nắm vào thân chứ không vuốt ngọn, có vẻ cứng rắn hơn)… nếu lại CẤP mà cứng, như giương dây cung (HUYỀN) như thế là CAN chết.
*. TỲ vô bịnh mạch hiện ra hòa nhu mà tương ly, bước đi như gà (trong hòa nhu mà có vẻ cách nhau không liền). Thuộc mùa Trưởng-​hạ, lấy Vị khí làm gốc.
Nếu có bịnh : đầy đặc mà vững chắc, không có hòa nhu, chuyển du kém sức (tức Tỳ khí không tán bố ra các tạng khác). Nếu lại cứng và SẮC như đầu mỏ quạ, như móng chân chim, thánh thót như nhà dột, cuồn cuộn như nước sôi, như thế là TỲ chết.
*. THẬN vô bịnh mạch hiện ra chìm nặng mà linh động như nổi mà không, án nặng tay thời KIÊN. Thuộc mùa Đông, lấy Vị khí làm gốc.
Nếu có bịnh : như lôi dây sắn, càng án mà càng KIÊN. Nếu lại dằng mạnh như giật dây, chình chịch như ném đá… như thế là THẬN chết.,.
-- o0o --

4 nhận xét:

  1. Good post. I learn something new and challenging on sites I stumbleupon on a daily basis.
    It will always be useful to read through content from
    other writers and practice a little something from their web sites.


    Feel free to surf to my blog post; get followers

    Trả lờiXóa
  2. Great delivery. Outstanding arguments. Keep up the great effort.


    My web blog: option fair
    my webpage - optionfair

    Trả lờiXóa
  3. Hello, always i used to check webpage posts here in the early hours in the morning, since i like to learn more and more.


    my weblog get followers

    Trả lờiXóa
  4. you're really a excellent webmaster. The website loading speed is incredible. It seems that you are doing any distinctive trick. Furthermore, The contents are masterwork. you have done a great task in this matter!

    my homepage :: binary options risk

    Trả lờiXóa