Banner tet am lich

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

HOÀNG ĐẾ NỘI KINH TẬP 3


CHƯƠNG 19

by tập 3

Cov­er
CHƯƠNG 19
MỤC LỤC
1.- NGỌC CƠ CHÂN TẠNG LUẬN (19)
2.- TAM BỘ CỮU HẬU LUẬN (20)
3.- KINH MẠCH BIỆT LUẬN (21)
4.- TÀNG KHÍ PHÁT THỜI LUẬN (22)
5.- TUYÊN MINH NGŨ KHÍ THIÊN (23)
6.- HUYẾT KHÍ HÌNH CHÍ THIÊN (24)
7.- BẢO MỆNH TOÀN HÌNH LUẬN (25)
8.- BÁT CHÍNH THẦN MINH LUẬN (26)
9.- LY HỢP CHÂN TÀ LUẬN (27)
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 19
NGỌC CƠ CHÂN TẠNG LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Mạch mùa Xuân như HUYỀN…. Thế nào gọi là HUYỀN ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Xuân tức là CAN-​MẠCH , thuộc Đông-​phương Mộc, muôn vật bắt đầu sinh ra từ đó, cho nên mạch khí hiện ra : NHUYỄN-​NHƯỢC, KHINH, HƯ mà HOẠT. Ngay thẳng mà dài, nên gọi là HUYỀN, nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lại THỰC mà cường, là thái quá, bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch khí lúc lại không THỰC mà “VI”, là bất cập, bịnh sẽ phát ở bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Xuân, thái quá bất cập, phát ra chứng hậu như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người hay quên, choáng váng, chóng mặt và đau ở đầu. Nếu là bất cập thời đau ở Hung suốt sang lưng, xuống cả 2 bên sườn tức đầy khó chịu.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Hạ như CÂU…. Thế nào gọi là CÂU ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Hạ, tức là mạch của TÂM, thuộc Nam-​phương Hỏa. Muôn vật nhờ đó để thịnh trưởng. Cho nên mạch khí lúc lại thịnh lúc đi suy, nên mới gọi là CÂU. Nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại thịnh, lúc đi cũng thịnh ; là thái quá : bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch lúc lại không thịnh, lúc đi lại thịnh là bất cập : bịnh sẽ phát ra bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Hạ thái quá và bất cập, phát ra chứng hậu như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người mình nóng và đau ở ngoài da, hoặc sinh chứng lở-​láy ; bất cập thời khiến người Tâm phiền, ở bộ phận trên thời phát chứng HO và nhổ, ở bộ phận dưới thời phát chứng KHÍ-​TIẾT.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Thu như PHÙ… thế nào gọi là PHÙ ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Thu tức là mạch của PHẾ, thuộc Tây-​phương Kim. Muôn vật nhờ đó tới thời kỳ “thâu thành”. Cho nên mạch lúc lại khinh HƯ mà PHÙ, lúc lại thời CẤP, lúc đi thời TÁN, nên gọi là PHÙ. Nếu mạch tượng trái thế, sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như MAO, ở giữa KIÊN, hai bên HƯ : là thái quá. Bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Mạch khí lúc lại như MAO mà VI, là bất cập : bịnh sẽ phát ra bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Thu thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người khí-​nghịch, lưng đau và bực tức khó chịu. Bất cập thời khiến người suyễn, hô hấp mõi mệt và ho. Ở bộ phận trên đôi khi KIẾN-​HUYẾT, có khi khí hạ nghịch, lại kêu rên ầm ĩ.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Đông như DOANH… thế nào gọi là DOANH ? (ở yên lặng, chìm xuống tức là THẠCH)
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch mùa Đông tức là mạch của THẬN, thuộc Bắc-​phương Thủy. Muôn vật nhờ đó mà bế tàng, cho nên mạch khí lúc lại TRẦM mà BÁC (bựt mạnh lên) nên gọi là DOANH. Nếu mạch tượng trái thế sẽ mắc bịnh.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là trái ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như vụt vào đá (đàn thạch) là thái quá : bịnh sẽ phát ở bên ngoài ; đến lúc đi lại chậm rải như là đếm. là bất cập : bịnh sẽ phát ra ở bên trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch mùa Đông thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người trể nãi, đường xương sống đau, thiếu khí, không muốn nói ; bất cập thời khiến người trong lòng bào-​bao như đói, phía dưới chỗ xương sườn cụt giá lạnh, trong xương sống đau, thiếu-​phúc đầy, tiểu tiện đổi sắc.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Theo thứ tự của 4 mùa, các Tạng đều có sự thuận nghịch khác nhau.Còn TỲ thời chủ về gì ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. TỲ-​mạch thuộc Thu, nó là CÔ-​TẠNG (đứng riêng một mình) để thấm nhuần ra 4 bên.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Nếu vậy, thời sự “thiện” hay “ác” của Tỳ có thể biết được chăng ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Cái THIỆN không thể thấy (1) , chỉ có cái ÁC là có thể thấy.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thấy cái ÁC như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch khí lúc lại như nước chảy dồn, là thái quá bịnh sẽ phát ra bên ngoài. Nếu chỉ như chim mổ, lúc có lúc ngừng là bất cập, bịnh sẽ phát ra ở trong.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mạch của TỲ, thái quá và bất cập, chứng hậu phát ra thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái quá thời khiến người tứ-​chi không cử động được. Bất cập thời khiến người 9 khiếu không thông, gọi là TRÙNG-​CƯỜNG (2).
(1)-. TỲ thấm nhuần ra 4 Tạng. Bốn tạng nhở cái khí của Tỳ để thực hiện cái công năng của mình. Vậy cái THIỆN của Tỳ chỉ phát hiện ra ở 4 tạng, mà chính mình không thấy.
(2)-. TỲ không hòa đã là CƯỜNG rồi ; 9 khiếu không thông, tà khí đương thịnh, cũng là CƯỜNG, nên gọi là TRÙNG CƯỜNG , tức là cả 2 đều cường,.

_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Năm Tạng, thụ khí ở cái “sở sinh”, lại truyền cho cái “sở bất thắng”. Khí ký túc ở cái nơi “sở sinh”, mà bị chết ở cái nơi “sở bất thắng”.—Bịnh đến lúc sắp chết trước phải truyền đã, đến cái nơi “sở bất thắng”, bấy giờ mới chết. Đó là vì khí nghịch-​hành (đi ngược) nên mới chết.
*. CAN thụ bịnh khí ở nơi TÂM, truyền đi đến TỲ, khí ấy ký túc ở THẬN, đến PHẾ mới chết.
*. TÂM thụ bịnh khí ở nơi Tỳ, truyền đi đến Phế, khí ấy ký túc ở Can, đến Thận thời chết.
*. TỲ thụ bịnh khí ở nơi Phế, truyền đi đến Thận, khí ấy ký túc ở Tâm, đến Can thời chết.
*. PHẾ thụ bịnh khí ở nơi Thận, truyền đi đến Can, khí ấy ký túc ở Tỳ, đến Tâm thời chết.
*. THẬN thụ bịnh khí ở nơi Can, truyền đi đến Tâm, khí ấy ký túc ở Phế, đến Tỳ thời chết.
Đó là điều nghịch. Suốt một ngày một đêm chia làm 5 tạng… Để đoán biết sống hay chết, sớm hay muộn…
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Năm tạng cùng thông nhau, truyền đều có thứ tự. 5 tạng có bịnh, thời truyền tới cái “sở thắng”. Nếu không điều trị theo phép, hoặc 3 tháng, hoặc 6 tháng, hoặc 3 ngày, hoặc 6 ngày… truyền khắp 5 tạng thời sẽ chết. Đó là cái thứ tự thuận truyền cho cái “sở thắng”. Cho nên nói rằng : phân biệt được dương tà, sẽ biết được bịnh nó từ đâu lại ; phân biệt được âm tàng, sẽ biết được cái thời kỳ sống hay chết.
PHONG là một thứ đầu trăm bịnh. Giờ phong-​hàn phạm vào người, khiến người hào mao đều đứng thẳng, bì phu vít lại mà thành chứng NHIỆT (sốt nóng). Gặp trường hợp đó, nên phát hãn để phong tà tiết ra ngoài.
Hoặc TÝ, BẤT NHÂN (ngoài da tê dại, cấu không biết đau), sưng đau… gặp trường hợp đó, nên dùng nước nóng để chườm, hoặc dùng lửa cứu, hoặc dùng châm thích cho tiết bỏ huyết độc.
Nếu không chữa, bịnh tà sẽ phạm vào PHẾ thành chứng PHẾ-​TÝ, gây nên KHÁI-​THẤU và thương khí.
Nếu không chữa, Phế sẽ truyền lấn sang CAN thành chứng CAN-​TÝ, một tên là QUYẾT sẽ đau ở sườn và thổ. Gặp bịnh đó nên dùng phép “ÁN” và “thích”.
Nếu không chữa, Can sẽ truyền sang TỲ thành chứng TỲ-​PHONG gây nên bịnh ĐẢN (hỏa đản) trong bụng nóng, Tâm phiền da vàng. Gặp bịnh đó, nên dùng phép “án” , dùng thuốc hoặc dùng phép tắm.
Nếu không chữa, Tỳ sẽ truyền sang THẬN thành chứng SÁN, GIẢ, trong thiếu-​phúc nóng nảy và đau, tiểu ra trắng như nước gạo. Lại một tên là CỔ. Gặp bịnh đó nên dùng phép “án” và thuốc uống.
Nếu không chữa, Thận sẽ truyền sang TÂM thành chứng gân mạch co rút, mà đau ; gọi là KHIẾT. Gặp bịnh đó nên dùng phép CỨU, hoặc uống thuốc. Nếu không chữa trong vòng 10 ngày, sẽ chết.
Thận hoặc truyền lên Tâm, Tâm liền quay trở lại mà truyền lên Phế, phát chứng hàn-​nhiệt. Theo phép 3 năm sẽ chết. Đó là thứ tự của bịnh.(1)
(1)-. PHẾ-​TÝ : tức là Phế bị vít nghẽn.
ĐẢN : tức Hoàng-​đản.
SÁN : đau bụng dưới, đau rút xuống Thận-​hoàn.
GIẢ : nổi hòn ở trong bụng, nhưng ấn tay vào lại tan.
KHIẾT : chân tay co rút.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Nhưng nếu là bịnh “thốt phát” (bổng dưng phát ra rất chóng), không cần phải theo phép tương-​truyền để điều trị.
Hoặc có khi truyền hóa không theo thứ tự, nên thường gây bịnh lớn. (như do ƯU, KHỦNG, BI, HỈ, NỘ…).
Tỉ như : HỈ quá thời Tâm hư, Thận-​khí sẽ thừa cơ làm lấn ; NỘ quá thởi Can hư, Phế-​khí sẽ thừa cơ làm lấn ; TƯ quá thời Tỳ hư, Can-​khí sẽ thừa cơ làm lấn ; KHỦNG quá thời Thận hư, Tỳ-​khí sẽ thừa cơ làm lấn ; ƯU quá thời Phế hư, Tâm-​khí sẽ thừa cơ làm lấn… như một tạng hư mà bị lấn, thời sẽ truyền qua cả 5 tạng. Cho nên bịnh có 5 thứ, mà 5 tạng có 5 lần biến…Vậy 5 lần 5 sẽ thành 25. Vậy sự truyền hóa của 5 tạng đó, cũng đều là cái “sở thắng”.
--. ĐẠI CỐT (tức xương tay, xương đầu) khô đét ; ĐẠI-​NHỤC (tức 2 mông) rúm lại, trong hung khí nghẽn, hơi thở khó khăn, mỗi khi thở phải so vai rụt cổ… chỉ 6 tháng sẽ chết.
Thấy mạch của Chân-​tạng hiện ra, mới có thể hẹn đúng ngày nào (như bịnh ở Tâm, sẽ tính đến ngày Nhâm-​quý sẽ chết v.v…. tức là ngày tương khắc).
-. Đại-​cốt khô đét, Đại-​nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, hơi thở khó khăn. Đau ở trong rút lên vai và cổ. Chỉ trong vòng một tháng là chết. Thấy mạch của chân tạng hiện ra, mới có thể hẹn đúng ngày nào (tức ngày Canh-​tân).
-. Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, đau ở trong rút lên vai và cổ, mình nóng, thịt tiêu mòn hết. thấy mạch của chân tạng hiện ra, chỉ trong vòng 10 ngày sẽ chết (đoạn này nói bịnh ở Phế, truyền sang Tâm thời chết).
-. Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, sương tủy hao mòn, cử động càng suy. Thấy mạch chân-​tạng hiện ra, trong vòng 1 năm sẽ chết và cũng mới có thể định được hẳn là ngày nào (như chết về ngày Giáp-​ất).
-. Đại cốt khô đét, đại nhục rúm lại, trong hung khí nghẽn, trong bụng đau, trong Tâm khó chịu, lưng cổ và mình nóng, thịt tiêu mòn hết, mắt lõm trông không rõ… chết ngay. Nếu còn trông thấy, tới ngày “sở bất thắng” sẽ chết. (1)
(1)-. Đây là THẬN bịnh, truyền đến Tỳ thời chết.
--. BẢN KINH nói : bịnh ở Thận : đại tiểu-​phúc đều đau. Thận truyền lên Tâm, cho nên trong Tâm khó chịu ; Tâm lại truyền sang Phế, Phế lại truyền sang Can, cho nên vai cổ và mình nóng ; Can lại truyền sang Tỳ, nên mắt lõm.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Thân thể đã hư quá, tà khí vụt đến, 5 tạng vít lấp, mạch đạo không hông, khí không đi lại, như ngưới chết đuối, không thể hẹn ngày.
Nếu mạch tuyệt không lại, hoặc một “tức” mà 5-6 chí, dù hình nhục không thoát, chân tạng không hiện, cũng chết.
-. Chân Can-​mạch hiện ra, trong ngoài đều “rỏng” như lăn tay trên lưỡi dao, “lăn lẳn” như để trên dây đàn, sắc mặt trắng xanh không bóng, lông tóc rơi rụng…đó là bịnh chết.
-. Chân Tâm-​mạch hiện ra,cứng mà bựt lên tay như lăn tay trên chuỗi hạt châu, sắc mặt tía đen không bóng, lông tóc rơi rụng… đó là bịnh chết.
-. Chân Phế-​mạch hiện ra, ĐẠI mà HƯ, như cầm lông chim phớt quệt vào da…. Sắc mặt không bóng, đỏ, trắng, lông tóc rụng…. đó là chứng chết.
-. Chân Thận-​mạch hiện ra, bựt mạnh lên lại đứt, như vụt que vào đá, rắn chắc không chùng…. Sắc mặt đen vàng, không bóng, lông tóc rơi rụng… đó là chứng chết.
-. Chân Tỳ-​mạch hiện ra,NHƯỢC mà lúc SÁC lúc SƠ, sắc mặt vàng, xanh không bóng, lông tóc rơi rụng…. đó là chứng chết.
Phàm chân-​tạng mạch hiện ra, phần nhiều chết, không chữa được.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thấy chân-​tạng mạch hiện ra, mà nhận là chứng chết, Là cớ sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Năm tạng đều nhờ khí ở Vị. Vậy Vị là gốc của 5 tạng. Tạng-​khí không thể tự mình dẫn đến Thái-​âm, phải nhờ có Vị-​khí mới đến được. 5 tạng phải hờ vị khí nới hiện ra được cái mạch tượng theo đúng với mùa mà dẫn đến Thái-​âm.—Cho nên, nỗi khi tà khí mà thắng được, tức là tinh khí đã bị suy trước. Người mắc bịnh nặng, vị khí không thể cùng dẫn đến Thái-​âm, nên chân tạng một mình mới hiện ra (tức trong mạch không có vị khí). Sở dĩ như vậy, là do bịnh khí nó thắng. Nên mới là chứng chết.
Hoàng-​Đế nói rằng :
--. Phàm trị bịnh phải xét hình, khí ; sắc có bóng hay không bóng ; mạch thịnh hay suy ; bịnh mới hay cũ… bấy giờ sẽ chữa, đừng để lở thời.
Hình với khí hợp nhau có thể chữa. Sắc bóng và mổi ở ngoài da : có thể chữa ; mạch thuận với 4 mùa : có thể chữa ; mạch NHƯỢC mà HOẠT là có vị-​khí, có thể chữa…. nên theo mùa mà dùng phép thích.
Hình với khí trái nhau : khó chữa ; sắc nhợt không bóng : khó chữa ; mạch THỰC mà KIÊN : khó chữa ; mạch trái với 4 mùa : khó chữa. Phải xét những nổi khó đó để bảo rõ bịnh nhân.
Phàm nói về trái với 4 mùa, tỉ như : mùa Xuân thấy mạch của Phế ; mùa Hạ thấy mạch của Thận ; mùa Thu thấy mạch của Tâm ; mùa Đông thấy mạch của Tỳ… khi mạch đến đều TRẦM-​SẮC không chút Vị-​khí…. Đó đều là trái với 4 mùa.
Chưa thấy mạch hình của Tạng, về mùa Xuân mùa Hạ mà mạch TRẦM-​SẮC ; về mùa Thu, mùa Đông mà mạch PHÙ-​ĐẠI… cũng là trái với 4 mùa.
Bịnh Nhiệt mà mạch TỈNH ; bịnh Tiết mà mạch ĐẠI ; thoát huyết mà mạch THỰC ; bịnh ở bộ phận trong mà mạch THỰC và KIÊN ; bịnh ở bộ phận ngoài mà mạch lại không THỰC và KIÊN… đều khó chữa.
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trẩm nghe nhận mạch Hư-​Thực để quyết bịnh sống chết… Xin cho biết rõ nguyên nhân ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Bị 5 THỰC hoặc 5 HƯ đều chết.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Năm thực, 5 hư là thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch thịnh, da nóng ; phúc trướng ; đại tiểu không thông ; mắt mờ… đó là 5 THỰC (tà khí thực).--. Mạch tế, da lạnh, thiếu khí, tiền hậu đều tiết và lợi, không uống ăn được… đó là 5 HƯ (chính khí hư).
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mắc chứng như thế, mà đôi khi cũng có người sống, là vì sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Nếu nước cháo có thể nuốt được vào Vị, tiết và lợi đều ngừng… thời dù gặp “HƯ” cũng sống; nếu mồ hôi ra được, tiểu tiện lợi… thời dù gặp THỰC cũng sống.,.
--o0o—
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 20
TAM BỘ CỮU HẬU LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trẩm nghe về phép CỮU-​CHÂM, ứng với Trời-​đất, ứng với âm-​dương, hợp với 4 mùa 5 hành…. Đường lối như thế nào, xin cho biết ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Chí-​số của trời đất, bắt đầu từ số MỘT (1) cuối cùng là số CHÍN (9). Một là TRỜI, hai là ĐẤT, ba là NGƯỜI. Vậy ba lần ba là chín, để ứng với 9 “DÔ.
Ở con người chia làm 3 bộ, mỗi bộ có 3 hậu, để quyết định sống chết, để trị trăm bịnh, để điều Hư-​thực để trừ tà tật.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Ba bộ là gì ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Có Hạ-​bộ, có Trung-​bộ, có Thượng-​bộ. Mỗi bộ có 3 hậu, tức là Trời-​Đất-​Người.
THƯỢNG-​BỘ về Trời, ứng vào động mạch ở 2 bên trán ; về Đất ứng vào động mạch ở 2 bên má ; về Người ứng vào động mạch ở 2 bên tai.
TRUNG-​BỘ về Trời, thuộc Thủ Thái-​âm ; về Đất thuộc Thủ Dương-​minh ; về Người ứng vào Thủ Thiếu-​âm.
HẠ-​BỘ về Trời, thuộc về Túc Quyết-​âm ; về Đất thuộc Túc Thiếu-​âm ; về Người thuộc về Túc Thái-​âm.
Cho nên Hạ bộ về Trời để hậu (nghe mạch) cái khí của CAN ; Đất để hậu cái khí của THẬN ; Người để hậu cái khí của TỲ-​VỊ.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Về sự hậu của “TRUNG-​BỘ” như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Cũng có trời đất người khác nhau. Trời để hậu khí ở ĐẦU ; Đất để hậu khí ở MIỆNG và RĂNG ; Người để hậu khí ở TAI và MẮT.
Trong 3 bộ đều có Trời đất người. Do 3 mà thành Trời, do 3 mà thành Đất, do 3 mà thành Người (tức là ở trong 9 hậu, mỗi hậu đều có 3). Ba nhân với ba thành 9. Số 9 đó chia làm 9 dã ; 9 dã lại hợp với 9 tạng.
Về THẦN-​TÀNG có 5 (1) , về HÌNH-​TÀNG có 4 (2), hợp lại thành 9 Tàng.
(1)-. Tâm tàng THẦN, Can tàng HỒN, Phế tàng PHÁCH, Tỳ tàng Ý, Thận tàng CHÍ.
(2)-. “HÌNH-​TÀNG” tức là chứa những vật có hình. Như : Vị, Đại-​trường, Tiểu-​trường, Bàng-​quang….
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Năm Tạng đến lúc bại sắc tất bợt ra. Bợt ra thời hẳn chết.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Về phép “hậu” như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Trước phải xem ngươi gầy hay béo, để xét xem khí hư hay thực. Thực thời TẢ, hư thời BỔ. Phải từ bỏ tà-​khí trong huyết mạch rồi mới có thể điều hòa. Không cứ gì bịnh khó hay dể, cốt làm cho khí được quân bình.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Quyết sống chết như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Hình thịnh, mạch tế, hơi ít như không đủ để thở là bịnh, nguy.--. Hình gầy, mạch đại, trong Hung hơi nghẽn đó là bịnh nguy.
Lúc đại, lúc tiểu, lúc tật, lúc từ… mạch đi không đều …. Là bịnh nguy.
Ba bộ chín hậu, mạch đều trái nhau : sẽ chết.
Mạch ở trên dưới, tả hữu cứ so le không khớp nhau, là bịnh nặng.
Mạch ở trên dưới, tả hữu đều trái nhau, không còn nhận được bao nhiêu “chí” là bịnh chết.
Mạch ở Trung-​bộ, hậu dù có đều, nhưng lại trái hẳn với các tàng khác… là bịnh chết.
Mạch ở Trung-​bộ, hậu rất mỏng manh : là bịnh chết.--. Mắt lõm xuống là bịnh chết.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Sao biết được bịnh ở đâu ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Xét ở 9 hậu, mạch nếu thiên về “TIỂU”, thiên về ĐẠI, là mắc bịnh. Thiên về TẬT, thiên về TRÌ, thiên về NHIỆT, thiên về HÀN, hoặc thiên về HÃM-​HẠ…. đều là mắc bịnh.
Dùng tay TẢ của mình, án lên chân bịnh nhân, cách “xương khoai” 5 tấc, rồi tay HỮU của mình gõ lên “xương khoai” của bịnh nhân. Nếu mạch ứng lên quá 5 tấc, có vẻ hơi bật bật đều đều : thế là vô bịnh. Nếu ứng lên tay nhanh có vẻ tuồn tuột… là mắc bịnh ; hoặc lại chậm chạp bợt bạt… cũng là mắc bịnh.
Nếu mạch ứng lên, trên không tới được 5 tấc (tấc ở đây thuộc về quan-​xích thời xưa) dù có gõ lên xương cũng không thấy, bịnh sẽ chết.
Bịnh nhân thịt tiêu mòn hết, sẽ chết.
Mạch ở trung bộ lúc sơ lúc sác , sẽ chết.
Nếu mạch hiện ra ĐẠI mà CÂU, là bịnh tại LẠC.
Chín hậu cùng ứng, hợp nhau như MỘT, không được so le. Nếu một hậu chậm lại sau :là mắc bịnh. Hai hậu chậm lại sau : bịnh nặng. Ba hậu chậm lại sau : bịnh nguy. Nói “chậm lại sau” tức là mạch ứng không đều.
Xét ở Phủ-​tạng, để đoán biết cái thời kỳ sống chết.
Phải biết trước kinh-​mạch, rồi sau mới biết được bịnh-​mạch.
Mỗi khi kinh mạch của Chân-​tạng hiện ra, gặp cái ngày “thắng” (khắc) sẽ chết.
Kinh Túc Thái-​dương khí tuyệt, bịnh nhân chân không thể co duỗi, khi chết tất trợn mắt.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Mùa Đông thuộc âm, mùa Hạ thuộc dương, ứng với người thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mạch đều TRẦM-​TẾ cách tuyệt nhau (mạch của 9 hậu) : thế là âm, thuộc Đông, nên chết về khoảng nửa đêm ; nếu mạch THỊNH, TÁO, SÁC và Suyễn, thế là dương, thuộc Hạ, nên chết về đúng trưa.
Phàm bịnh Hàn-​nhiệt, thường chết về lúc sáng tỏ. Chứng Nhiệt-​trung với bịnh Nhiệt, cũng chết về lúc đúng trưa. Bịnh PHONG : chết về lúc mặt trời lặn. bịnh THỦY chết về lúc nữa đêm. Mạch lúc sơ lúc sác, lúc tật, lúc trì… tới ngày Tứ-​quí sẽ chết.
Thịt ở thân thể tiêu mòn hết, 9 hậu dù đều : cũng chết.
Bảy phép chẩn dù có đủ (1) , nhưng 9 hậu đều thuận : không chết.
(1)-. Bảy phép chẩn như : TRẦM ; TẾ-​HUYỀN-​TUYỆT-​THỊNH-​TÁO-​SUYỂN-​SÁC ; Hàn-​Nhiệt ; Nhiệt-​trung ; bịnh PHONG ; bịnh THỦY và THỔ - tuyệt ở tứ quý v.v….
Sở dĩ nói không chết vì các bịnh thuộc về phong-​khí, hoặc thuộc về kinh-​nguyệt, trạng thái như về 7 phép chẩn, mà không phải, nên không chết.
Nếu có chứng trạng của 7 phép chẩn, mà chẩn “hậu” cũng bại : tất phải chết. Khi chết tức sinh chứng “NẤC”.
Phải hỏi kỹ lúc mới phát bịnh thế nào và hiện tượng là bịnh gì, rồi sau sẽ “thiết” đến mạch. Xét về kinh lạc, trầm phù và trên dưới , thuận nghịch, thế nào. Nếu mạch “TẬT” là tà khí chỉ phạm vào kinh mạch, mà không mắc những bịnh ở 7 chẩn. Nếu mạch TRÌ là bịnh thuộc 7 chẩn ; luồng mạch không còn đi lại, sẽ chết. Bì phu dính vào xương không còn chút thịt cũng chết.,.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Như thế nào có thể chữa được ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Bịnh về kinh mạch thời trị kinh mạch ; bịnh về tôn-​lạc thời trị tôn lạc.
Huyết bịnh mà mình có đau : thời trị kinh lạc.
Nếu phạm phải kỳ-​tà (tức tà khí lạ lùng, ít khi có) xét luồng mạch kỳ tà để thích. Bịnh đã lâu ngày, tụ ở khớp xương, nên thích ngay ở khớp xương.
Nếu trên THỰC dưới HƯ, huyết mạch không thông, nên tìm chỗ kết ở lạc mạch mà thích cho thấy có máu.
Đồng-​tử đột cao lên, do khí ở Thái-​dương bất túc. Mắt trợn lên do khí ở Thái-​dương đã tuyệt. Đó là cái cốt yếu để quyết sinh tử, phải xét kỹ mới được.,.
-- o0o --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 21
KINH MẠCH BIỆT LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Người ta : động, tĩnh, dũng, khiếp…. mạch có biến đổi không ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Phàm những người, gặp những sự kinh, khủng, nộ, lao, động, tĩnh… mạch cũng đều biến.
--. Vì vậy, đi đêm thời hơi thở phát ra ở THẬN, khí bốc lên gây bịnh ở PHẾ.
Có sự vấp ngả mà sợ, hơi thở phát ra ở CAN, khí bốc lên làm hại TỲ.
Có sự sợ hải, hơi thở phát ra ở PHẾ, khí bốc lên làm hại TÂM.
Lội nước, lăn ngả, hơi thở phát ra ở THẬN và xương. Gặp trường hợp đó : người dũng, khí hành được thời vô sự ; nếu là người khiếp : khí ngừng lại sẽ mắc bịnh.
Cho nên về phép chẩn mạch : xem người dũng hay khiếp và nhận cả ở cốt nhục, bì phu… sẽ hiểu được bịnh tình, để giúp thêm về phép chẩn.
*. Uống ăn quá no : hãn phát ra ở Vị ; sợ quá mất tinh thần : hãn phát ra ở Tâm ; mang nặng đi xa : hãn phát ra ở Thận ; chạy vội, sợ hãi : hãn phát ra ở Can ; làm lụng vất vả : hãn phát ra ở Tỳ.
Cho nên : Xuân, Thu, Đông, Hạ, 4 mùa, âm dương đều không làm hại người. Sở dĩ sinh bịnh, chỉ vì quá độ, trái mất lẽ thường.
Khí vị của thức ăn, sau khi vào vị, tán “tinh” vào Can, tràn khí vào Cân.
Khí vị của thức ăn sau khi vào Vị, cái khí “trọc” dẫn lên Tâm, tràn chất “tinh” vào mạch.
Mạch-​khí dẩn theo kinh. Kinh khí dẫn lên Phế, Phế tổng hợp trăm luồng mạch, du chuyển tinh khí ra bì mao – MAO (khí) với MẠCH (huyết) hợp tinh, dẫn khí về Phủ (phủ thuộc Dương, khí là Dương). Phủ chứa Thần-​minh để giúp ích 4 Tàng.
Khí cốt ở quân bình, sự quân bình hiện lên KHÍ-​KHẨU, nhờ đó để quyết tử sinh.
Thức uống sau khi vào Vị, bao chất tinh khí tràn lan ra, du chuyển sang Tỳ. Tỳ lại lọc những chất tinh túy hơn để du chuyển lên Phế ; nhờ đó làm cho thủy đạo được thông lợi, du chuyển xuống Bàng-​quang, tức thời thủy-​tinh tán bố năm kinh đều đi khắp. Đó là hợp với 4 mùa, Âm dương quĩ độ. Tức là lẽ thường của mạch.
*. Khí của Thái-​dương đến một mình, gây nên chứng Quyết, Suyễn, hư, khí nghịch. Đó là do âm bất túc, dương hữu dư, cả biểu-​lý đều nên “TẢ” , thích ở huyệt Hạ-​du.
*. Khí ở Dương-​minh đến một mình. Thế là Dương thêm dương : nên “TẢ DƯƠNG – BỔ ÂM” thích ở huyệt Hạ-​du.
*. Khí ở Thiếu-​dương đến một mình. Quyết-​khí, mạch KIÊN về phía trước bổng biến thành ĐẠI. Nên thích ở huyệt Hạ-​du – Thiếu-​dương đến một mình là do khí Nhất-​dương thái quá.
*. Mạch ở Thái-​âm bực mạnh, phải xét Chân-​tạng : mạch của 5 Tạng đều thiếu khí. Vị khí không quân bình…. Đó thuộc về Tam-​âm. Nên thích ở huyệt Hạ-​du “BỔ DƯƠNG – TẢ ÂM”.
*. Nếu Nhất-​dương một mình nghịch lên. Thành chứng Thiếu-​dương QUYẾT. Dương dồn lên cả bộ phận trên, mạch của 4 tạng khác đều mạnh, khí trở về THẬN : nên trị ở kinh-​lạc, “TẢ DƯƠNG – BỔ ÂM”.
*. Mạch của Nhất-​âm một mình đến, tức chủ trị do Quyết-​âm. Vì trong tạng hư nên trong TÂM đau ê-​ẩm. Quyết-​khí bức bách, khiến toát mồ hôi. Nên điều độ uống ăn, hòa hợp dược vị và thích ở Hạ-​du.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Tạng-​tượng của các tạng thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thái-​dương tàng, tượng Tam-​dương mà PHÙ ;
*. Thiếu-​dương tàng, tương Nhất-​dương HOẠT mà không THỰC ;
*. Dương-​minh tàng, tượng Nhị-​dương mà PHÙ-​ĐẠI ;
*. Thái-​âm tàng, mạch bực lên như PHỤC-​CỔ ;
*. Nhị-​âm bực đến, dù là THẬN, chỉ TRẦM mà không PHÙ. (1)
(1)-. Đại ý thiên này, muốn biết bịnh mạch, trước phải biết kinh-​mạch. Nhưng muốn biết kinh-​mạch lại phải nên chia rõ KINH với KHÍ khác nhau thế nào .,.
-- o0o --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 22
TÀNG KHÍ PHÁT THỜI LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Hợp thân hình con người, bắt chước 4 mùa, 5 hành để điều trị… Thế nào là thuận, thế nào là nghịch, thế nào là đắc, thế nào là thất… ? Xin cho biết rõ.
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Năm hành là KIM-​MỘC-​THỦY-​HỎA-​THỔ. Thay nhau quí tiện để biết chết sống, để quyết thành bại, và định cái khí của 5 Tạng, cùng cái lúc hơi bớt, cái lúc nặng thêm… Rồi do đó dự tính khí chết và sống.
Hoàng-​Đế nói :
--. Xin cho biết rõ căn nguyên….
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. CAN chủ về mùa Xuân, kinh khí do Túc Quyết-​âm, Thiếu-​dương chủ trị, ứng với 2 ngày GIÁP-​ẤT. CAN khổ về sự cấp (thái quá), kíp ăn vị CAM để cho hoãn lại.
--. TÂM chủ về mùa Hạ, kinh khí do Thủ Thiếu-​âm, Thái-​dương chủ trị, ứng với 2 ngày BÍNH-​ĐINH. Tâm khổ về sự HOÃN (chậm chạp, tán mạn) kíp ăn vị TOAN để cho thâu lại.
--. TỲ chủ về Trưởng-​Hạ, kinh khí do Túc Thái-​âm, Dương-​minh chủ trị ; ứng với 2 ngày MẬU-​KỶ. Tỳ khổ về sự THẤP, kíp ăn vị KHỔ để cho ráo lại.
--. PHẾ chủ về mùa Thu, kinh khí do Thủ Thái-​âm. Dương-​minh chủ trị ; ứng với 2 ngày CANH-​TÂN. Phế chủ về khí nghịch lên, kíp ăn vị KHỔ để cho tiết đi.
--. THẬN chủ về mùa Đông, kinh khí do Túc Thiếu-​âm, Thái-​dương chủ trị ; ứng với 2 ngày NHÂM-​QUÍ. Thận khổ về sự TÁO (ráo), kíp ăn vị HÀM để cho nhuận do đó khai được tấu lý ; sinh ra tân dịch và thông khí…
*. Bịnh ở CAN khỏi về mùa Hạ ; mùa Hạ không khỏi tới mùa Thu bịnh sẽ nặng thêm. Nếu mùa Thu không chết, sẽ đứng bịnh ở mùa Đông và khỏi hẳn ở mùa Xuân.
Cấm hóng gió (theo nghĩa đoạn trên này và cả dưới đây chuyên nói về sinh khắc ; duyệt-​giả nên lưu ý).
Bịnh ở CAN khỏi về ngày BÍNH-​ĐINH ; ngày Bính-​đinh không khỏi, sẽ nặng thêm vào ngày CANH-​TÂN. Nếu ngày Canh-​tân không chết. sẽ đứng bịnh vào ngày NHÂM-​QUÍ và khỏi hẳn về ngày GIÁP-​ẤT.
Bịnh ở CAN, sáng sớm tỉnh táo, chập tối nặng, nữa đêm yên.
Can-​khí muốn sơ tán, kíp ăn vị TÂN để cho tán ; dùng vị TÂN để BỔ, vị TOAN để TẢ.
*. Bịnh về TÂM :khỏi ở mùa Trưởng-​Hạ ; mùa Trưởng-​hạ không khỏi sẽ nặng ở mùa Đông. Nếu mùa Đông không chết, sẽ đứng bịnh ở mùa Xuân, khỏi hẳn ở mùa Hạ.
Cấm ăn thức nóng, mặc áo nóng.
Bịnh về TÂM : khỏi ở ngày MẬU-​KỶ ; ngày Mậu-​kỷ không khỏi, nặng ở ngày NHÂM-​QUÍ. Nếu ngày Nhâm-​quí không chết sẽ đứng bịnh ở ngày GIÁP-​ẤT, khỏi hẳn ở ngày BÍNH-​ĐINH.
Bịnh về TÂM: đúng trưa tỉnh táo, nữa đêm nặng, sáng sớm yên.
Tâm muốn NHUYỄN (mềm mại). Kíp ăn vị HÀM để cho nhuyễn ; dùng vị HÀM để BỔ, vị CAM để TẢ.
*. Binh về TỲ : khỏi ở mùa Thu ; mùa Thu không khỏi, sẽ nặng ở mùa Xuân. Nếu mùa Xuân không chết, sẽ đứng bịnh ở mùa Hạ, khỏi ở mùa Đông.
Cấm ăn thức có tính ẩm, ăn no và ở nơi ẩm, mặc áo ướt.
Bịnh về Tỳ khỏi ở ngày CANH-​TÂN ; ngày Canh-​tân không khỏi, sẽ nặng ở ngày GIÁP-​ẤT. Nếu ngày Giáp-​ất không chết, sẽ đứng bịnh ở ngày BÍNH-​ĐINH ;khỏi hẳn ở ngày MẬU-​KỶ.
Bịnh về Tỳ : lúc xế chiều tỉnh táo, lúc mặt trời mọc nặng, chập tối yên.
Tỳ muốn được thư hoãn ; kíp ăn vị CAM để cho thư hoãn. Dùng vị CAM để BỔ, vị KHỔ để TẢ.
*. Bịnh ở PHẾ : khỏi ở mùa Đông. Mùa Đông không khỏi, nặng ở mùa Hạ. Nếu muà Hạ không chết, sẽ đứng bịnh ở mùa Trưởng-​hạ, khỏi hẳn về mùa Thu.
Cấm ăn uống thức lạnh, và mặc áo lạnh.
Bịnh về Phế : khỏi ở ngày NHÂM-​QUÍ. Ngày Nhâm-​quí không khỏi, sẽ nặng ở ngày BÍNH-​ĐINH . Nếu ngày Bính-​đinh không chết sẽ đứng bịnh ở ngày MẬU-​KỶ ; khỏi hẳn ở ngày CANH-​TÂN.
Bịnh về Phế : chập tối tỉnh táo, nữa đêm yên, đúng trưa nặng.
Phế muốn thâu liễm : dùng vị TOAN để thâu liễm ; dùng vị TOAN để BỔ, vị TÂN để TẢ.
*. Bịnh về THẬN : khỏi ở mùa Xuân. Mùa Xuân không khỏi, sẽ nặng ở mùa Trưởng-​hạ. Nếu mùa Trưởng-​hạ không chết, sẽ đứng bịnh ở mùa Thu, khỏi hẳn ở mùa Đông.
Cấm ăn các thức xào nướng có tính nóng, và mặc áo hơ (là, ủi) nóng.
Bịnh về Thận : khỏi ở ngày GIÁP-​ẤT ; ngày Giáp-​ất không khỏi, sẽ nặng ở ngày MẬU-​KỶ. Nếu ngày Mậu-​kỷ không chết, sẽ đứng bịnh ở ngày CANH-​TÂN, khỏi hẳn ở ngày NHÂM-​QUÍ.
Bịnh về Thận : nữa đêm tỉnh táo, gặp giờ Tứ-​quí (Thìn-​Tuất-​Sửu-​Vị) nặng, xế chiều yên.,
Thận muốn KIÊN : kíp ăn vị KHỔ để Kiên ; dùng vị KHỔ để BỔ, vị HÀM để TẢ.
Phàm tà khí phạm vào người, lấy cái “thắng” để cùng thêm lên (như CAN bịnh, thêm lên về CANH-​TÂN…) gặp cái “sở bất thắng” thời càng nặng ; gặp cái “sở sinh” thời đứng bịnh ; gặp đúng vào “bản vị” của mình : sẽ khỏi. --. Tất phải hiểu thấu cái mạch của 5 Tạng, mới có thể nói được lúc nhẹ lúc nặng, và dự đoán được cái thời kỳ sinh tử.
Bịnh về CAN : đau ở 2 bên sườn, dẫn xuống Thiếu-​phúc, khiến người hay nộ. Can hư : thời mắt lờ đờ, không trông rõ, tai nghe không tỏ, hay sợ như sắp bị bắt.
Nên lấy ở 2 kinh mạch Quyết-​âm và Thiếu-​dương.
Khí nghịch thời đầu nhức, tai điếc mà sưng, nên bớt huyết đi (hoặc tả bớt).
Bịnh về TÂM : trong Hung đau, chi lặc ở Hiếp đầy, dưới hiếp đau, khắp khoảng xương ở vai, lưng đều đau, hai cánh tay cũng đau.--. Tâm hư : thời hung phúc to ra, dưới hiếp và yêu cùng rút mà đau.
Lấy ở 2 kinh mạch Thiếu-​âm và Thái-​dương, và trích huyết dưới lưỡi.
Nếu bịnh biến lại phải trích thêm huyệt ÂM-​KHÍCH cho ra huyết.
Bịnh về TỲ : mình nặng, cơ nhục nhão nát tê dại, chân không co lại được, lúc đi đau trong xương, dưới chân cũng đau.--. Tỳ hư : thời bụng đầy, ruột sôi, SÔN-​TIẾT, thức ăn không tiêu.
Nên lấy huyệt ở các kinh mạch Thái-​âm, Dương-​minh và Thiếu-​âm.
Bịnh về PHẾ : suyễn, khái, nghịch khí. Vại lưng đau, hãn ra, cầu-​âm (xương khu), vế, đầu gối, xương ống đều đau.--. Phế hư : thời không thở được dài, tai điếc, cuống họng khô.
Lấy huyệt ở ngoài kinh mạch Thái-​âm, Túc Thái-​dương và bên trong Quyết-​âm.
Bịnh về THẬN : Bụng to, ống chân sưng, suyễn và khái, mình nặng. Lúc ngủ toát mồ hôi, ghê gió.--. Thận hư : thời trong bụng đau, quyết lãnh, ý tứ không vui.
Nên lấy huyết ở kinh mạch Thái-​âm và Thiếu-​âm.
CAN sắc XANH ; nên ăn vị ngọt ; nghạnh mễ, thịt bò, quả táo, quì… đều thuộc về vị ngọt.
TÂM sắc ĐỎ ; nên ăn vị toan ; tiểu đậu, thịt chó, quả mận, rau cửu… đều thuộc vị toan.
PHẾ sắc TRẮNG ; nên ăn vị khổ ; lúa mạch, thịt dê, quả hạnh, rau giới (củ kiệu)…. Đều thuộc vị khổ.
TỲ sắc VÀNG ; nên ăn vị hàm ; đại đậu, thịt lợn, quả lật, rau hoắc… đều thuộc vị hàm.
THẬN sắc ĐEN ; nên ăn vị tân ; hoàng thử, thịt gà, quả đào, củ hành… đều thuộc vị tân.
Vị tân thời TÁN ; vị toan thời THÂU ; vị cam thời HOÃN ; vị khổ thời KIÊN ; vị hàm thời NHUYỄN.
Các thứ thuốc có tính chất độc dùng để CÔNG, trị bịnh tà. Năm giống lúa chuyên về sự nuôi năm Tạng. 5 thứ quả để giúp cho sự nuôi ; 5 loài súc để giúp cho sự bổ ích ; 5 thứ rau để cho đầy đủ thêm.--. Khí với Vị hợp lại để ăn và uống, sẽ bổ tinh và ích khí.
Vậy 5 vị TÂN-​TOAN-​CAM-​KHỔ-​HÀM… đó đều có sự lợi ích. Hoặc tán, hoặc thâu, hoặc cấp, hoặc kiên, hoặc nhuyễn v.v… Bốn mùa 5 Tạng mắc bịnh, đều theo sự cần dùng thích nghi của 5 Tạng.,.
-- 0o0 --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 23
TUYÊN MINH NGŨ KHÍ THIÊN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
*. Sự dẫn vào các Tạng của 5 vị : Toan vào Can, Tân vào Phế, Khổ vào Tâm, Hàm vào Thận, Cam vào Tỳ.
*. Năm khí gây nên bịnh : Tâm phát ra chứng NẤC ; Phế phát ra chứng KHÁI ; Can phát ra chứng NỘ, muốn nói luôn ; Tỳ phát ra chứng miệng thường nuốt, nước miếng ; Thận phát ra chứng hay vươn vai và hắt hơi ; Vị phát ra chứng khí nghịch, chứng oẹ (ợ) và chứng sợ (khủng) ; Đại-​trường, Tiểu-​trường phát ra chứng tiết tả ; Hạ-​tiêu ràn thành chứng Thủy ; Bàng-​quang không lợi thành chứng Long (tiểu tiện vít, đau), hoặc bất-​cước (tiểu tiện bất cấm) và di-​niệu (són đái) ; Đởm phát ra chứng NỘ. Đó là 5 bịnh của 5 Tạng hợp với khí của 5 Hành.
*. TINH của 5 Tạng dồn lại sẽ phát ra các chứng :
Tinh-​khí dồn lên Tâm thời thành chứng hay Hỷ ; dồn lên Phế thời thành chứng hay Bi ; dồn lên Tỳ thời thành chứng hay Uý ; dồn xuống Thận thời thành chứng hay Khủng. -- 5 chứng “dồn” đó bởi vì HƯ mới có thể dồn.
*. Năm sự GHÉT của 5 Tạng : Tâm ghét NHIỆT ; Phế ghét HÀN ; Can ghét PHONG ; Tỳ ghét THẤP ; Thận ghét TÁO.
*. Năm Tạng hóa ra các chất lỏng : Tâm hóa HÃN ; Phế hóa THẾ (nước mũi) ; Can hóa LỆ (nước mắt) ; Tỳ hóa DIÊN (nước dãi) ; Thận hóa THÓA (nước miếng).
*. Sự cấm kỵ của 5 vị :
Vị TÂN dẫn vào Khí, khí mắc bịnh không nên ăn nhiều vị TÂN.
Vị HÀM dẫn vào Huyết, huyết mắc bịnh không nên ăn nhiều vị HÀM.
Vị KHỔ dẫn vào Xương, xương mắc bịnh không nên ăn nhiều vị KHỔ.
Vị CAM dẫn vào Thịt, thịt mắc bịnh không nên ăn nhiều vị CAM.
Vị TOAN dẫn vào Cân, cân mắc bịnh không nên ăn nhiều vị TOAN.
*. Các chứng bịnh phát ra ở 5 Tạng :
THẬN-​ÂM mắc bịnh phát ra ở CỐT ;
TÂM-​DƯƠNG mắc bịnh phát ra ở HUYẾT ;
TỲ-​ÂM mắc bịnh phát ra ở NHỤC ;
CAN-​DƯƠNG mắc bịnh phát ra ở mùa Đông ;
PHẾ-​ÂM mắc bịnh phát ra ở mùa Hạ.
*. 5 sự rối loạn phát sinh bởi tà-​khí :
Tà lấn vào Dương thời phát sinh bịnh CUỒNG.
Tà lấn vào Âm thời phát sinh bịnh TÝ.
Dương khí dồn lên thời phát chứng đau ở đầu.
Âm khí dồn lên thành chứng không nói được.
Tà ở Dương-​phận lấn vào Âm-​phận thời bịnh nhân yên.
Tà ở Âm-​phận lấn vào Dương-​phận thời bịnh nhân hay NỘ.
*. 5 tà-​khí hiện ra mạch :
Mùa Xuân hiện ra mạch mùa Thu.
Mùa Hạ hiện ra mạch mùa Đông.
Mùa Trưởng-​Hạ hiện ra mạch mùa Xuân.
Mùa Thu hiện ra mạch mùa Hạ.
Mùa Đông hiện ra mạch mùa Trưởng-​Hạ….
Đó là từ Âm-​phận hiện ra Dương-​phận, đều là tà-​khí thắng : khó chữa.
*. Các thứ “TÀNG” của 5 Tạng :
Tâm tàng THẦN ;
Phế tàng PHÁCH ;
Can tàng HỒN ;
Tỳ tàng Ý ;
Thận tàng CHÍ .
*. Các thứ “SỞ CHỦ” do 5 Tạng :
Tâm chủ về MẠCH.
Phế chủ về BÌ (da).
Can chủ về CÂN (gân).
Tỳ chủ về NHỤC (thịt).
Thận chủ về CỐT (xương).
*. 5 sự thái-​quá (lao nhọc) làm thương đến 5 Tạng :
TRÔNG lâu làm thương đến Huyết.
NẰM lâu làm thương đến Khí.
NGỒI lâu làm thương đến Nhục.
ĐỨNG lâu làm thương đến Cốt.
ĐI lâu làm thương đến Cân.
*. 5 mạch tương ứng đến 4 mùa :
Mạch của Can HUYỀN ;
Mạch của Tâm CÂU ;
Mạch của Phế MAO ;
Mạch của Tỳ ĐẠI ;
Mạch của Thận THẠCH .,.
-- o0o --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 24
HUYẾT KHÍ HÌNH CHÍ THIÊN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
*. Cái số thường ở con người :
Kinh Thái-​dương thường NHIỀU HUYẾT ÍT KHÍ.
Kinh Thiếu-​dương thường NHIỀU KHÍ ÍT HUYẾT.
Kinh Dương-​minh thường NHIỀU HUYẾT NHIỀU KHÍ.
Kinh Thái-​âm thường NHIỀU KHÍ ÍT HUYẾT.
Kinh Thiếu-​âm thường NHIỀU KHÍ ÍT HUYẾT.
Kinh Quyết-​âm thường ÍT KHÍ NHIỀU HUYẾT.
*. Biểu-​lý ở Thủ-​túc Âm-​Dương kinh :
Túc Thái-​dương & Thiếu-​âm làm biểu lý.
Túc Thiếu-​dương & Quyết-​âm -
Túc Dương-​minh & Thái-​âm -
Thủ Thái-​dương & Thiếu-​âm -
Thủ Thiếu-​dương & TÂM CHỦ (tức BÀO-​LẠC)
Thủ Dương-​minh & Thái-​âm làm biểu lý.

Những BIỂU-​LÝ nói đây, tức là chỉ về sự liên lạc gi­ao thông, có quan hệ mật thiết với nhau.
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Muốn biết huyệt PHẾ-​DU : lấy 1 cái dây đo từ đầu vú bên nọ đến đầu vú bên kia vồi gấp đôi lại; lại lấy 1 đoạn dây khác cắt bằng cái dây gập đôi lại. Tức là có 3 đoạn dây bằng nhau.
Rồi đem ra sau lưng. Để 1 đầu dây vào giữa xương ĐẠI-​CHÙY (tức huyệt BÁCH-​LAO, một cục xương nối liền với cổ), buông đầu kia xuống dọc đường xương sống, còn 2 đầu dây kia chia chẽ ra 2 bên : đầu dây nọ cách đầu dây kia 3 tấc, (tức từ xương sống đến 2 đầu dây kia mỗi bên 1 tấc 5 phân). Tại nơi 2 đầu dây : đó là huyệt PHẾ-​DU.
Cứ để in đầu dây giữa thế, quay xuống đo một lần nữa : chỗ chỉ của 2 đầu dây hai bên sẽ là 2 huyệt TÂM-​DU ; lại đo xuống một lần nữa, tại 2 đầu dây hai bên : bên tả là CAN-​DU, bên hữu là TỲ-​DU ; lại đo quay xuống một lần nữa, tại 2 đầu dây hai bên là THẬN-​DU. Đó là Du-​huyệt cùa 5 Tạng. Muốn dùng phương pháp « cứu, thích » phải theo phương pháp đo thế.
*. Hình vui chí vui : bịnh đó sinh ra bởi NHỤC, nên dùng châm thạch để điều trị.
*. Hình khổ chí vui : bịnh đó sinh ra bởi CÂN, nên dùng phép ÚY (chườm) dẫn để điều trị.
*. Hình khổ chí khổ : bịnh đó sinh ra bởi CUỐNG HỌNG, nên dùng thứ thuốc có vị NGỌT để điều trị.
Thường bị kinh khủng, kinh lạc không thông ; bịnh đó sinh ra bởi « BẤT NHÂN » (da thịt tê dại không biết gì). Nên dùng phép nặn, bóp, và rượu thuốc để điều trị.
Thích ở huyệt kinh Dương-​minh cho tiết bớt KHÍ-​HUYẾT.
Thích ở huyệt kinh Thái-​dương, cho tiết bớt HUYẾT, không nên để cho tiết KHÍ.
Thích ở huyệt kinh Thiếu-​dương, cho tiết bớt KHÍ, không nên để cho tiết HUYẾT.
Thích ở huyệt kinh Thái-​âm, cho tiết bớt KHÍ, không nên để cho tiết HUYẾT.
Thích ở huyệt kinh Thiếu-​âm, cho tiết bớt KHÍ, không nên để cho tiết HUYẾT
Thích ở huyệt kinh Quyết-​âm, cho tiết bớt HUYẾT, không nên để cho tiết KHÍ. .,.
-- 0o0 --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 25
BẢO MỆNH TOÀN HÌNH LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi rằng :
--. Trời che Đất chở. Muôn vật đều đủ, không gì quí bằng NGƯỜI. Người nhờ cái khí của trời-​đất để sinh và cái tiết của 4 mùa để thành. Trên từ Quân-​vương, dưới đến chúng thứ, ai cũng muốn giữ cho đước toàn vẹn thân hình. Nhưng đã có hình, thời phải có bịnh, nếu không kịp chữa, bịnh sẽ sâu vào xương-​tủy. Trẩm lấy làm lo, muốn dùng châm để trừ tật bịnh. Vậy phương-​pháp nên như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Nghĩ như MUỐI : vì vị nó mặn, nên khí của nó thường ẩm ướt ra ngoài. Dây đàn sắp đứt tiếng nó phải rè. Cây đến mùa Thu lá nó phải úa. Có ở bên trong tất phải hiện ra bên ngoài. Ở con người cũng vậy, bịnh đã quá lâu, sẽ phát chứng NẤC (ọe), tức là 6 Phủ đã bị hoại, bì-​nhục bị thương, huyết khí hóa đen …. Đến lúc đó, dù có độc dược uống vào cũng vô ích ; dù có đoãn châm, thích cũng không được….
Hoàng-​Đế nói :
--. Trẩm nghĩ đến mà đau lòng. Trong tâm bối rối lại quá người mắc bịnh. Vậy làm thế nào cho khỏi nổi đau đớn ấy.
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Người sinh ra ở đất gửi mệnh ở Trời, trời đất hợp khí nên gọi là NGƯỜI. Người theo đúng được 4 mùa, trời-​đất sẽ như cha mẹ. Người thấu hiểu được muôn vật, sẽ cũng như là con trời.
Trời có 2 khí Âm-​dương, người có 12 tiết (tức 12 kinh mạch). Trời có hàn thử, người có hư thực. nếu kinh lý được sự biến hóa của âm dương, không trái với 4 mùa và biết rõ sự lưu hành vận chuyển của 12 tiết…. sẽ là bậc Thánh-​trí, còn ai lừa dối được nữa. --. Nếu nhận rõ sự biến của 8 gió, sự thắng của 5 hành và xuất được cái số hư thực để xuất nhập bổ tả…. thời dù hơi thở hút rất nhỏ, cũng có thể trông thấy như ở trước mắt.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Người sinh ra có hình, không lìa khỏi âm-​dương.
Trời đất hợp khí chia làm 9 Dã, tách làm 4 mùa.
Nguyệt có thiếu thừa. Nhật có dài ngắn ; muôn vật đều đến, tính không kể xiết ; hư, thực, thở, hút, điều trị nhường nào ? xin cho biết rõ.
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Mộc gặp Kim sẽ héo ; Hỏa gặp Thủy sẽ diệt ; Thổ gặp Mộc sẽ đạt (điều đạt, sơ sác) ; Kim gặp Hỏa sẽ khuyết ; Thủy gặp Thổ sẽ tuyệt. Muôn vật đều thế, nói không thể hết.
Về phép CHÂM : có thể nêu rõ cho ai nấy đều biết là có 5 phép chính :
1- trị Thần (tức là bảo thủ tinh thần)
2- dưỡng Thần(bảo thủ thân hình)
3- biết rõ chân giả của độc dược.
4- phép chế châm thạch nhỏ hay lớn.
5- biết rõ (chẩn) tạng-​phủ, khí-​huyết.
Năm phép trên đây lập ra, có thứ nên trước có thứ nên sau.
Về đời nay chỉ biết HƯ thời làm cho THỰC ; mãn thời làm cho tiết, thế thôi. Nếu biết bắt chước trời đất, theo ứng rồi sẽ động, thời sẽ chóng như vang theo tiếng, như bóng theo hình, độc vãng độc lai, quỉ thần không lường.
Hoàng-​Đế nói :
--. Xin cho biết phương pháp. !!
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Phàm phép THÍCH : phải trị thần trước. 5 Tạng đã định rõ, 9 hậu đã đầy đủ… bây giờ mới dùng đến châm. Trong khi dùng châm : phải hết sức tồn thần, không nên quá lạm, không nên vội vàng. Trong tạng-​phủ ngoài cân-​mạch, phải ứng khớp với nhau. Đừng chú trọng về hình. Có như thế mới có thể dùng châm để thích cho người.
Người có “hư-​thực” : 5 chứng “HƯ” chớ gần, 5 chứng “THỰC” chớ xa ; đến lúc nên thích, phải nhanh như không kịp chớp mắt. Cầm châm phải vững, cất tay phải đều…. yên tỉnh, chú ý vào châm. Chờ xem khí đến thế nào. Lúc sắp dùng châm : vững như dương nỏ, lúc châm kim xuống nhanh như phóng tên.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Thế nào là “HƯ”, thế nào là “THỰC” ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thích vào người khí HƯ, phải đợi cho khí đến THỰC (khi có thực rồi mới có thể thích). Thích vào tà-​khí thực, phải đợi cho khí tiết ra thành Hư.
Khi kinh-​khí đã dẫn đến, phải giữ ngay chớ bỏ lỡ. Dù sâu dù nông, chí phải chuyên nhất. Tuyệt nhất không động cập đến một vật gì ở bên ngoài ; phải chú ý đừng sơ suất.,.
-- o0o --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 26
BÁT CHÍNH THẦN MINH LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Về việc dùng châm phải có phương pháp vả chuẩn tắc, xin cho biết rõ ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Về phương pháp thích, phải chờ ở nhật-​nguyệt, tinh-​thần, và cái khí BÁT-​CHÍNH (tức là gió của 8 phương). Khi khí đã định rồi sẽ thích. Gặp những ngày ấm áp, sáng sủa, thời huyết-​dịch điều hòa mà vệ-​khí nổi qua bên ngoài, thời huyết dể tả mà khí dể hành. Nếu khí trời giá lạnh và u ám, thời huyết ngừng trệ mà vệ khí chìm vào bên trong.
*. Khi Nguyệt mới sinh (trăng non) thời khí huyết mới tinh (khiết) vệ khí mới hành.
*. Khi Nguyệt đầy, huyết khí thực, cơ nhục bền chặt.
*. Khi Nguyệt khuyết, thời cơ nhục giảm sút, kinh lạc hư, vệ khí tán, chỉ còn hình ở lại. Đó là nhân thiên-​thời để điều hòa khí huyết.
Bởi vậy, trởi rét đừng thích. Trời ấm khí huyết không ngưng trệ ; lúc trăng non chớ tả, lúc trăng đầy chớ bổ, lúc trăng khuyết chớ trị. Cần phải theo đúng thiên thời để điều hòa khí huyết.
Nhận thứ tự, của Trời và cái thời hư thực, để tri hành việc thích. Cho nên nói : lúc trăng non chớ tả e âm khí của Tạng sẽ bị hư ; lúc trăng đầy chớ bổ e khí huyết càng thêm đầy tràn ; nếu để cho “lạc” còn có huyết ứ lại, đó là đã thực lại làm cho thực , tức là “TRÙNG THỰC”. Lúc trăng khuyết mà trị, đó là làm loạn kinh-​mạch, âm-​dương lẫn lộn, chánh với tà không phân biệt, chìm lặng và ngưng trệ, ngoài hư trong loạn, bịnh tà do đó càng tăng tiến.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Tinh-​thần bát-​chính để hậu gì ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. “tinh-​thần” cốt để ghi sự vận hành của Nhật-​nguyệt ; “bát-​chính” cốt để “hậu” cái hư tà của 8 phương. Bốn mùa cốt để chia cái khí của Xuân, Hạ, Thu, Đông, để điều hòa cho nó quân bình, và xa lánh cái hư tà bát-​chính đừng để mắc phải.
Đương lúc khí con người HƯ, lại gặp hư-​tà của Trời ; hai hư cùng “cảm” lẫn nhau, sẽ suốt tới xương và làm thương đến 5 Tạng…. Lương-​công cứu ngay, đừng để cho bị thương. Cho nên nói : những ngày “THIÊN-​KỴ” cần phải biết rõ. (1)
(1)-. NGÀY THIÊN KỴ : tức như đương lúc khí ở mình hư lại gặp hư tà tặc phong, 2 hư cùng gặp nhau, sẽ gây bịnh lớn. Vậy những ngày đó là ngày Thiên-​đạo rất kỳ, nên gọi là “thiên-​kỵ” .
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Xin cho biết thế nào là “bắt chước đời xưa” ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Bắt chước đời xưa tức là bắt chước ở CHÂM-​KINH. Ngoài đó lại còn phải nghiệm về sau này, biết ngày nào, Hàn hay Ôn, Nguyệt bao giờ hư hay thịnh, để “hậu” xem khí phù-​trầm thế nào, rồi mới thi hành phép điều trị ; sẽ được hiệu nghiệm ngay. Vì thế nên Lương-​công khác hẳn mọi người : trông rõ từ vô hình, nghe rõ từ vô thanh ; thật là thần tình, ít ai bì kịp.
Hư-​tà tức là cái khí hư của “bát chính”. Chính là là do sự nhọc mệt, mình thoát mồ hôi, tấu lý mở rộng, gặp phải hư phong nó phạm vào người nhẹ nhàng… những trường hợp đó, người ta chỉ có thể biết được tình, nào ai còn trông thấy hình.
Bậc Thượng-​công chữa bịnh ngay từ lúc nảy mầm, trước phải biết cái khí của 3 bộ, 9 hậu, để điều hòa cho khỏi gây thành bịnh lớn.
Còn kẻ Hạ-​công thời chỉ cứu chữa khi bịnh đã thành, khi thế đã bại, có hiểu biết gì đến sự trái ngược của 3 bộ, 9 hậu đâu.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Xin cho biết rõ phương pháp bổ tả …. ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. TẢ phải dùng “PHƯƠNG” (tức là đương), dùng ngay vào lúc khí “đương thịnh”, lúc nguyệt “đương đầy”, lúc Nhật “đương ôn” và lúc ở con người “đương định”. Đúng vào lúc hơi Dương hút vào, liền cắm châm vào, chờ lúc thở ra sẽ từ từ rút châm…. Có như thế, khí mới thịnh mà dẫn hành được.
Bổ phải dùng “VIÊN” (1) , viên tức là chuyển đi, là lưu hành.
Thích đã trúng vào Vinh, lại phải chờ lúc hút vào để xoay chuyển mũi châm.
Cho nên muốn nuôi Thần-​khí tất phải biết rõ thân hình con người gầy hay béo, vinh-​vệ khí-​huyết thịnh hay suy ; mới có thể dùng châm được trúng.
(1)-. Về văn pháp chữ Hán, dùng chữ “phương” trên kia để chọi với chữ “viên” ở đây, chính nghĩa hai chữ đó là “vuông-​tròn”. Ở đây trái lại, chỉ cần cái tiếng “chọi” nhau mà nghĩa lại khác.,.
-- 0o0 --
CHƯƠNG 19
CHƯƠNG 27
LY HỢP CHÂN TÀ LUẬN
_________________________________ KINH VĂN ______________________________________
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Xin cho biết tà khí ở kinh, gây bịnh thế nào và nên thích như sao ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Thánh-​nhân đặt ra độ số, tất ứng với trời đất. Trời có Tú-​độ (độ đi của sao). Đất có kinh –thủy (các dòng sông). Người có kinh-​mạch.
Trời đất ôn hòa thời kinh thủy yên tỉnh ; trời rét đất nứt, thời kinh thủy ngưng trệ ; trời thử đất nhiệt, thời kinh thủy tràn lan ; gió bão bốc to, thời sóng nước dồn cao…
Tà khí phạm vào mạch ở con người cũng vậy. Hàn thời huyết ngừng trệ, thử thời huyết lỏng loãng. Tà nhân hư mà phạm vào, cũng như kinh-​thủy bị gió thổi dạt. Động mạch của kinh, lúc đến cũng dồn lên ; khi đi ở trong mạch cũng đều đều trôi chảy. Khí dẫn đến Thốn-​khẩu, lúc ĐẠI lúc TIỂU ; Đại là tà khí đến, Tiểu thời vô sự.
Lúc lưu hành không có nơi nhất định, lúc ở Âm, lúc ở Dương, không thể chia rõ độ số.
Theo tà ở bộ phận vào để nhận xét ba bộ, chín hậu cho đúng ; nếu vụt thấy tà khí ở bộ phận nào, kịp chặn ngay đi, đừng để lay láng.
Lúc hút vào thì dùng châm, đừng để khí nghịch.
Yên lặng để châm thong thả, đừng để tà khí tán. Tới khi một hút vào nữa, lại xoay chuyển châm, đó là muốn chờ được khí.
Chờ lúc thở ra, sẽ rút châm ; thở ra hết, châm rút ra hết, tà khí cũng ra hết, nên gọi là TẢ.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Bất-​túc thời BỔ, bổ như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Trước phải dùng tay vuốt lên huyệt định châm, miết mạnh tay xuống cho khí tan ; đẩy lên đẩy xuống cho huyết lưu thông, đập mạnh lên cho bịnh nhân chú ý, rồi bấu (cấu) da lôi cao lên, tức thời hạ châm… sau khi hạ châm để yên cho khí lưu thông… khi khí đã đến, đừng để biến chuyển. Chờ hút dẫn châm, khí không tiết ra ; rút châm vít huyệt, để khí khỏi kiệt, như thế gọi là BỔ.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Phép HẬU-​KHÍ như thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Khi tà khí lìa khỏi Lạc để vào Kinh, ký túc ở trong huyệt mạch, khí hàn-​ôn chưa gặp nhau, lúc đó tà khí sẽ cuộn lên, lúc lại lúc đi, nên không có nơi nhất định. Cho nên cần phải ngay từ lúc tà khí nó mới lại, án cho nó ngừng lại, rồi thừa thế mà thích ngay. Đừng đón tả vào lúc tà khí đương thịnh.
CHÂN-​KHÍ tức là kinh-​khí, khi kinh khí đã quá hư, thời cũng không nên tả bỏ tà khí giữa lúc đương thịnh.
Nếu “hậu” tà khí không tinh, khi đại khí đã quá rồi mới tả, thời chân khí sẽ thoát, thoát thời không thể hồi phục, do đó tà khí lại đến, bịnh càng tăng tiến.
Vậy cần tả ngay lúc tà khí mới đến. Nếu hoặc sớm quá, hoặc muộn quá, thời khí huyết đã đến hết, bịnh ấy không thể hạ được nữa.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. BỔ với TẢ, nên dùng phép nào trước ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Về phép công tà : thích bớt bỏ huyết cho tà khí tiết ra rồi sau mới bổ chân khí. Nhưng đó thuộc về tân-​tà nên mới thích như vậy, bịnh sẽ khỏi ngay.
Hoàng-​Đế hỏi :
--. Nếu chân khí với tà khí đã trộn lẫn, không còn nổi cuộn lên nữa, thời làm thế nào ?
Kỳ-​Bá thưa rằng :
--. Phải xét rõ sự thịnh suy của 3 bộ, 9 hậu, để điều hòa cho quân bình ; xét rõ sự “tương thất”, “tương giảm” của tả hữu, trên dưới và bịnh ở Tạng nào để định đoạt sự sống chết.
Nếu không biết được 3 bộ, thời không biết được âm dương, không phân được trời đất. Phải lấy đất để “hậu” đất, trời để “hậu” trời, người để “hậu” người. Rồi điều hòa Trung-​phủ (Vị) để ấn định 3 bộ.
Vậy nếu thích mà không biết bịnh mạch về 3 bộ, 9 hậu ở nơi nào, dù có sự thái quá hay bất cập, cũng không sao ngăn ngừa được.,.
-- o0o --

2 nhận xét:

  1. What's up to all, how is the whole thing, I think every one is getting more from this web page, and your views are nice for new people.

    Also visit my blog - aaa fx
    Also see my webpage > aaa fx

    Trả lờiXóa
  2. Các bạn đọc sách đầy đủ ở đây:
    https://www.dropbox.com/sh/okg45wbelmpvwor/xiTSiCfVO2

    Trả lờiXóa